android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Thụy Miên nói về Bệnh Quên.

1-3-08.

Ở đời ai mà lại chẳng có lúc quên, quên từ lúc còn bé, chứ đâu phải đợi tới già rồi mới quên. Tôi xin viết vội bài này, để rồi đến khi quên thì mình đã viết thành bài rồi.

Cái chữ “quên” nó đeo vào người ta, ở bất cứ tuổi nào của đời người.

Cái quên của tuổi trẻ thơ.   

Lúc tôi còn bé tí. Ở trường học, tôi thường bị thầy giáo đánh đòn vì quên đến trường đúng giờ, quên làm bài hay quên học bài.

Ở nhà, thì bị mẹ đánh đòn vì tội quên lời mẹ dạy. Ăn cơm quên làm dấu trước khi ăn. Quên khoanh tay chào khách của cha mẹ. Quên không về nói lại những lời nhắn tin của khách. Cũng có khi tôi bị đòn vì bị mất đồ đạc như cái kìm, cái búa đóng đinh của bố tôi. Tôi cho những người bạn của bố mẹ tôi mượn, mà tôi quên không nhớ tên của họ, lâu ngày họ quên không trả thế là mất và tôi bị đòn. Cũng có lần tôi trốn đi lễ ban sáng để chui vào xe bán nước mía ở cổng nhà thờ để ngủ. Chắc có ai đó đã về mách với mẹ tôi, nên hôm đó vừa về đến nhà mẹ tôi đã hỏi: 

“Mày hôm nay đi xem lễ, cha giảng bài phúc âm nào?”

Thấy tôi ấp úng, mẹ tôi hỏi tiếp:

“Cha mặc áo lễ mầu gì?”

Tôi có đi xem lễ đâu mà biết, nên đành ấp úng trả lời:

“Dạ! thưa mẹ con quên rồi ạ.”  Và tôi đành chiụ một trận đòn mê tơi.

 Có lần, tôi nghe thấy vợ tôi la thằng cháu nội lên sáu tuổi như sau:

- “Tiến!  Tại sao không để giày lên kệ để giày, mà cháu lại vất lung tung thế này”.

- “Dạ!  cháu quên.” Thằng bé sợ sệt, trả lời.

Chữ “quên” nó dùng để chạy tội. Tôi liền phì cười, vì nó giống hệt tôi thủa xưa.

Cái quên của tuổi học trò.

Cái quên cũng xảy ra với tuổi học trò, học sinh như khi đi học thì quên mang sách học hôm ấy, quên không mang bút mực. Hay có khi làm bài thi, thì quên không đọc kỹ câu hỏi, quên không kiểm soát lại câu trả lời trước khi nộp bài. Tôi nhớ cái lần đi thi Tú Tài I, ban B (ban Tóan). Năm ấy, khi tôi làm bài tóan ngay từ câu hỏi số một tôi đã quên không đổi dấu khi chuyển con số từ vế nọ sang vế kia, mà các câu hỏi kế tiếp lại liên quan tới kết qủa câu hỏi số một.

Khi về nhà, tôi ngồi suy nghĩ lại mới biết mình làm sai, nên năm ấy bị thi rớt. Thế mới biết học một năm, thi một vài giờ. Chỉ vì cái tội quên không dò xét lại, nhanh nhẩu nên đoảng đến thế là cùng.

Cũng có khi học cho đã rồi đến trường thi, thì quên hết nên làm bài được ít điểm. Cái quên này có lẽ vì thân xác mệt mỏi nên trí nhớ kém, hoặc hồi hộp, lo sợ mà ra.

Cũng có khi do chểnh mảng, không nghe rõ lệnh để nhớ như câu chuyện sau  đây. Vợ chồng tôi đi nghỉ holiday vào mùa hè, dặn con gái út ở nhà tưới vườn rau cùng cây kiểng cho ba mẹ. Thế nhưng vì cháu chểnh mảng đã quên lời dặn, nên khi chúng tôi về thì vườn rau, cây kiểng chẳng còn mấy cây còn sống.

Cái quên của tuổi thanh niên.

Thường ở tuổi này các anh, các chị quên nhiều nhất là quên giờ. Vì có nhiều cái hẹn cùng một lúc. Có nhiều cái hẹn đến bất thình lình nên đành quên cái hẹn đến trước.

Hoặc đôi khi nhớ nhiều qúa mà quên như: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ. Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn.”

Cũng có khi quên vì thói quen nghề nghiệp, như có lần tôi đeo ống nghe vào cổ, tay cầm ống nghe đặt lên ngực của bệnh nhân để nghe tiếng của van tim, tiếng kêu của  phổi của người bệnh. Thế nhưng tôi đã quên không bỏ ống nghe vào hai tai của tôi nên tôi chẳng nghe thấy gì cả. Phải mất ít giây, tôi mới khám phá ra cái quên của mình.

Cũng có cái quên méo mó nghề nghiệp một chút. Chuyện là như thế này: Tôi là một trại phó của Trại Tim Mạch, làm ban đêm. Sau khi để các nhân viên khám bệnh và phát thuốc cho các bệnh nhân xong, tôi kiểm soát lại xem các hồ sơ bệnh lý, thuốc uống của bệnh nhân xem có gì thay đổi trong ngày hay không. Tôi phát giác ra nhiều nhân viên đã không ký tên vào chỗ những thuốc đã cho bệnh nhân uống. Khi tôi hỏi, thì nhân viên trả lời đã phát thuốc cho bệnh nhân rồi, nhưng “quên” không ký tên. Tôi cũng đành nhắc nhở họ lần sau nên cẩn thận hơn. Cái quên này thật là thiếu sót trong trách nhiệm, vì nếu một nhân viên nào khác thấy loại thuốc đó chưa ký tên, có nghiã là bệnh nhân chưa uống thuốc và phát thêm cho họ một lần nữa thì hậu quả sẽ ra sao? Vì đây là thuốc trị bệnh tim mạch chứ nào phải thuốc bổ đâu mà muốn uống thêm thì uống.

Cái quên của tuổi trưởng thành.

Người đời thường nói là chẳng mấy ai là không bị quên. Thật đúng vậy. Vợ tôi đã nhiều lần nhắc nhở tôi về việc tôi quên cắm lại điện cho cái tủ lạnh, sau khi tôi rút cái phích cắm điện của cái tủ lạnh ra để sử dụng điện cho các việc khác. Thế mà, sau khi sử dụng xong, tôi lại quên bẵng nó đi làm các thức ăn trong tủ lạnh bị hư thối, mốc meo.

Đối với nhiều người đang ở tuổi trung niên, khỏe mạnh thế mà đã bị bệnh quên mới lạ chứ. Thí dụ như các bà đi chợ thì quên mang tiền, hay ra đến chợ thì quên mua món đồ mình muốn mua. Đến khi về đến nhà thì mới nhớ ra mình còn thiếu món này, món nọ.

Cũng lắm khi mua và trả tiền rồi nhưng lại để quên đồ đạc ở ngòai tiệm. Bởi vậy, ông bà ta đã có câu: “Ra đến chợ, hàng qùa thì nhớ mà hàng chợ thì quên!”

Còn các ông thì vui quá mà quên mất tên bạn, quên mình đã nói gì và quên cả đường về nhà. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của một người bạn đã kể cho tôi nghe. Gần nhà anh ta có một người bạn thân, anh bạn thân thường đến nhà anh ta ăn uống, nhậu nhẹt. Thế mà có lần khi tiệc rượu giữa chừng, anh bạn thân quay qua anh ta và hỏi:

“Này đằng ấy tên là gì vậy, làm ơn cho tớ biết với.”

- “Biết để làm gì?”   Người bạn chủ nhà hỏi lại.

“Thì tớ biết, để tí nữa lúc về, tớ mới biết tên đằng ấy để mà chào.”

Tôi cũng bị quên một cách lãng xẹt như thế này nữa. Xin bạo dạn nói lên cho mọi người nghe. Ở trên nhà định xuống bếp lấy một cái gì đó ở dưới bếp, nhưng khi xuống bếp thì quên chẳng biết mình xuống bếp để làm gì nữa. Tôi đành phải trở đi lên nhà, ngẫm nghĩ đôi phút rồi mới nhớ ra cái lý do mình đi xuống bếp.

Có đôi lần, tôi đã ăn cơm ban chiều rồi mà ít tiếng sau đó, tôi cảm thấy bụng đói và cứ nghĩ là mình chưa ăn cơm chiều. Tôi không thể nào nhớ là mình đã ăn cơm chiều lúc nào, với các thức ăn gì. Phải đợi nhà tôi nhắc nhở lại, tôi mới chịu là mình đã ăn rồi. Cái quên này thì thật là giống cái quên của các cụ lớn tuổi trên 85. Nếu mà cứ thường xuyên xảy ra, thì chắc chắn tôi bị bệnh mất trí nhớ rồi còn gì nữa phải không nào.

Một trong những cái quên tôi sợ nhất là quên hẹn, hay quên lời đã hứa với con, cháu và với các cụ gìa. Thế mà trong đời tôi, đôi lần tôi đã bị vấp phạm làm con cháu hoặc các cụ già phải đợi mong, vất vả chờ ngóng. Có lẽ tại làm việc nhiều qúa nên quên. Tôi chắc một điều là các cha, các cụ cũng có ngày quên làm lễ giỗ cho giáo dân đã xin. Hoặc các bác sĩ quên giờ, để đúng hẹn với bệnh nhân khiến khách hàng phải chờ đợi lâu.

Cũng có người để đồ vật trong túi áo mà cứ yên chí là cất nó ở trong tủ, nên kiếm không thấy và cho rằng đã bị kẻ xấu lấy trộm mất, rồi họ nghi cho kẻ này người nọ lấy. Tôi cũng không thoát khỏi điều này, có lúc cất tiền ở trong tủ mà lại nghĩ mình bỏ trong túi quần, đến khi cần thì sờ đến túi quần không thấy. Hoặc có khi tôi để cặp mắt kiếng ở chỗ này mà lại yên chí, nhớ và đi tìm nó ở chỗ khác nên chẳng kiếm thấy. Đã biết mình hay bị quên, nên tôi đành âm thầm chẳng dám kêu ca và hồ nghi cho ai cả. Tôi chỉ biết đợi thời gian trôi qua may ra tìm thấy, may ra thì nhớ lại được, hoặc có khi vợ tôi tìm thấy cho tôi.

Tôi cũng đã tập thói quen là cất giữ các đồ vật vào đúng chỗ đã định, cấm con cháu không được đổi dời chỗ của những vật dụng trong phòng của tôi. Thế nhưng vẫn có trường hợp ngọai lệ. Nhưng tôi biết chắc một điều là chẳng có ai vào lấy cái kìm, cái mỏ lết, cái tô vít hay cái chià khóa xe của tôi bao giờ cả, ngay cả tiền bạc của tôi, con cháu cũng chẳng có ai tự ý lấy tiêu dùng mà không xin tôi.

Cái quên của bệnh Alzheimer.

Có cái quên thường xảy ra cho các cụ già trên sáu mươi lăm tuổi, như cái quên của người bị chứng bệnh Alzheimer. Triệu chứng của bệnh này là “quên” bởi sự tổn hại của bộ não do tắc nghẽn mạch máu cung cấp cho não tạo nên. Cứ theo thống kê của dân Úc vào năm 2003 đã có hơn hai trăm ngàn người Úc bị chứng bệnh quên này, cần được chăm sóc. Phần đông người bệnh là phái nữ và thuộc giới có trình độ học vấn thấp.

Khoảng ba mươi năm trước đây. Cạnh nhà ba mẹ tôi có một bà cụ độ chừng 80 tuổi. Bà ta ngày nào cũng kêu mất trộm, hôm thì kêu mất cái quần, hôm thì kêu mất đôi dép, có ngày thì kêu mất cái áo.

Bà cụ bắt các con cháu đi tìm cho bằng được mới thôi. Các con cháu tìm chung quanh phòng không thấy, nhưng cuối cùng mới biết cụ đã mặc hai quần hoặc hai áo, nên khi họ kiếm ở trong bọc thì không thấy. Sau này tôi làm việc thiện nguyện ở các viện dưỡng lão cũng thường thấy tình trạng này xảy ra cho các bà cụ.

Ở đất nước Úc này, tôi đã gặp một cụ già độ ngoài 75 tui. Ông cụ bị bệnh quên, đi lang thang ở ngoài đường và gặp tôi, cụ hỏi:

“Này anh, anh có biết nhà bà cụ Lan ở đâu không, làm ơn chỉ cho tôi biết với”.

Vì tôi biết bà cụ Lan là tên của vợ ông, nên tôi đã chở ông về đến nhà. Ông cụ quên cả tên mình, quên cả nhà của mình, nhưng lại nhớ tên của cụ bà. Kinh nghiệm này, khiến tôi nghĩ khi về già chắc phải dặn con cháu làm cho cái bảng tên, điạ chỉ, số điện thoại đeo trước ngực, để phòng hờ khi tôi bị lẫn đi ra ngoài đường còn có người dẫn về nhà.

Cái quên của người điên.

Theo truyện cổ Trung Hoa, có một câu chuyện về người điên mà tôi rất thích. Truyện kể như sau:

Ở một làng kia, có một người bị bệnh điên, anh không nhớ gì cả, chẳng nhận ra vợ con, cha mẹ. Anh ta đi lang thang khắp mọi nơi, ai cho gì thì ăn nấy, không đòi hỏi gì cả, chẳng phá phách gì của ai. Người nhà của anh ta tìm đủ mọi thầy thuốc để chữa lành bệnh cho anh. Sau một thời gian dài chữa bệnh, anh ta đã dần dần phục hồi trí nhớ và nhận biết được mọi người chung quanh.

Nhưng sau khi đã trở lại bình thường, anh ta vào bếp cầm lấy con dao phay to, rượt vợ con để chém. Hàng xóm chạy sang can ngăn, hỏi lý do tại sao lại rượt vợ con để chém.

Anh ta trả lời: Khi xưa tôi điên thế mà lại sướng, không phải lo gì, nghĩ gì, và nhớ những gì cho mệt óc. Tôi đang sung sướng như thế thì tại sao lại chữa cho tôi lành bệnh. Để giờ đây tôi phải lo, phải nghĩ, phải nhớ, phải tính toán và phải khổ sở như thế này. Đó là lý do tại sao tôi tức giận, cầm dao rượt chém vợ con của tôi.

Có cái quên mà người đời gọi là quên ơn.

Ở thời xa xưa, thời của Chúa Giêsu cũng có nhiều người quên cùng một lúc, như bài trích Phúc Âm của thánh Luca chương 9, từ câu 12 đến câu 19. Về mười người phong cùi đã được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bệnh. Thế mà chỉ có một mình người thuộc xứ Samaria, ngọai giáo đã trở lại cám ơn Chúa Giêsu mà thôi, còn chín người khác nữa sau khi đã được chữa lành, khỏi bệnh, họ đã quên không trở lại để cám ơn.

Thời nay, nhiều người vượt biên tỵ nạn cũng thế. Họ đã kêu cầu, khấn hứa cùng trời đất, cùng các đấng thiêng liêng, cùng Thiên Chúa rằng sau khi họ đến được bến bờ bình an, họ sẽ ăn ngay ở lành, làm việc phúc đức để đáp trả lại ơn mà Thượng Đế đã ban cho họ trong lúc hiểm nguy như thoát khỏi hải tặc, được đi định cư vv.

Thế nhưng, rất nhiều người đã quên lời khấn hứa ấy, khi họ đã được an cư, lạc nghiệp ở đất nước tự do.

Dân Do Thái ngày xưa cũng vậy. Những người đã từng được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh tật. Những người đã từng được ăn bánh và cá no nê vào những chiều tối, nơi hoang điạ. Những người đã đi theo  nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Những người đã từng tung hô Chúa Giêsu là Đấng nhân danh Chúa mà đến, khi Người tiến vào thành thánh Giêrusalem. Thế mà họ cuối cùng đã quên. Họ quên hết các phép lạ Người đã làm cho họ, để rồi họ quay trở lại chống đối, lên án, đánh đòn và đem Người đi đóng đanh trên thập giá cho đến chết.

Có cái quên tốt lành.

Chúa Giêsu, vì tình yêu đối với nhân loại. Người đã quên hết mọi lỗi phạm của dân chúng đối với Người. Người khóc thương cho dân thành Giêrusalem, và trước khi chết Người đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho họ:

“Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Luca chương 23, câu 34.

Các linh mục, tu sĩ, các y tá, dược sĩ, bác sĩ và những người làm việc thuộc loại bí mật như lực lượng cảnh sát, quân sự, quốc phòng, và các đoàn thể như hội đoàn Legio Mariae. Họ là những người được huấn luyện để quên, để khỏi tiết lộ những tin tức cá nhân của bệnh nhân, của đơn vị, của quân đội, của quốc phòng.

Thí dụ như Linh mục với phép Bí Tích Giải Tội. Theo cha Nguyễn Tầm Thường đã ví linh mục là những thùng chứa rác tội lỗi, vì qua phép Bí Tích Giải Tội, các cha đã phải nghe biết bao nhiêu tội mà giáo dân đã xưng. Nếu các cha không biết quên, thì các tội ấy như những mùi xu uế sẽ ảm vào người của các cha. Thùng rác ấy trở nên không dùng được nữa, vì mùi hôi của tội lỗi mà con chiên đã bỏ vào thùng rác ấy ngày càng nhiều. Cái quên của người quân binh LegioMariae cũng thế, tất cả mọi điều nghe biết trong phiên họp đều được tuyệt đối giữ bí mật khi bước ra khỏi phòng họp. Cái quên để hoàn thành chức vụ và trách nhiệm của những người kể trên thật là cái quên đáng qúy và tốt lành biết chừng nào.

Trong những lúc làm việc chung với các người lớn tuổi, tôi thường nghe thấy một số các cụ nói về điều này,lỗi nọ của người vắng mặt, một cách rành mạch như chính mình đã mắt thấy tai nghe. Ít có khi nghe nói đến điều tốt, gương sáng của người vắng mặt.

Tôi chợt nhớ về một câu chuyện kể về hai người bạn thân cùng nhau vượt sa mạc.

Một ngày kia, có hai người bạn rất thân thiết cùng nhau vượt sa mạc mênh mông. Trong lúc đi đường mệt mỏi, có một hôm họ cãi vả lẫn nhau và một người bị bạn của mình đấm vào mặt. Anh ta lặng lẽ ngồi xuống và viết lên trên mặt cát giòng chữ như sau;

“Hôm nay, tôi bị người bạn thân nhất của tôi đấm vào mặt.”

Thế rồi, hai người lại tiếp tuc đi cho đến một ngày kia, họ tìm thấy một ốc đảo. Người bị đấm vào mặt xuống tắm, chẳng may bị lún vào chỗ cát di động, và anh ta được người bạn thân cứu thoát. Khi lên tới chỗ an toàn, anh ta tìm một tảng đá lớn và viết vào giòng chữ như sau:

“Hôm nay, tôi đuợc người bạn thân nhất của tôi cứu thoát, khỏi bị lún trong sa mạc.”

Người bạn thân của anh ngạc nhiên, hỏi anh ta tại sao khi bị đấm vào mặt thì viết trên cát, và khi được cứu thoát thì anh ta lại viết trên đá.

Người bị đấm vào mặt im lặng đôi phút rồi trả lời:

“Khi tôi bị làm tổn thương, thì tôi viết trên cát, để gió thổi có thể xóa nó đi mau chóng. Còn khi tôi nhận ơn của anh, thì tôi phải ghi trên đá, để đời đời tôi nhớ ơn anh.”

Hy vọng, chúng ta biết quên đi những tổn thương mà kẻ khác đã làm cho chúng ta, và để nhớ mãi về những ơn mà người khác đã làm cho chúng ta.

Tóm lại, tôi còn quên xót rất nhiều cái quên đáng viết để mọi người đọc.

Ước gì cái bệnh quên đến đúng lúc với mọi người trong lúc tuổi già. Để chúng ta có thể quên đi những lỗi lầm trong qúa khứ của nhau, biết nhớ về những điểm tốt lành của tha nhân. Để học hỏi, bắt chước gương sáng của nhau, và để cùng nhau xây dựng Nước Chúa. Amen.

Thụy Miên.

 

 

| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net