android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Hãy học cùng cha.. bài 1. Thuỵ Miên.

(Chuá nhật này, 7 Tháng 9. Ở Úc mừng ngày người cha. Xin giới thiệu bài viết cuả một thân hữu cuả Bùi Chu Mến yêu anh Thuỵ Miên đến với bạn đọc.) Xin chân thành cám ơn anh Thuỵ Miên. BBT.)

“Đứng”. Tiếng hô to và dõng dạc của người trưởng lớp.

Cả lớp chúng tôi vội vàng đứng lên, làm dấu trước giờ học. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hát kinh Lạy Cha như qui định của nhà trường. Hát xong, thầy giáo chào tất cả học sinh và thầy giới thiệu đề tài bài học,

- Hôm nay chúng ta sẽ học về. Thầy ngưng đôi chút, rồi cầm cục phấn trắng viết lên bảng của lớp: “Hãy học cùng cha

Cả lớp chúng tôi nhốn nháo hẳn lên. Quái lạ cái ông thầy dậy môn Việt văn, hôm nay lại dở chứng, cho chúng tôi học về thánh kinh. Câu phúc âm theo thánh Matthêu chương 11, câu 29 này chúng tôi thuộc từ lâu rồi. Đó là câu: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”.

Chờ cả lớp chúng tôi im lặng. Thầy giáo viết tiếp chữ mẹ theo sau chữ cha. Cả lớp lại ồ lên như chợt hiểu đây mới chính là đề tài thầy muốn dậy ngày hôm nay. Thầy nhìn chúng tôi rồi chậm rãi nói,

- Hôm nay thầy miễn cho các em chép bài, chỉ cần lắng nghe những câu hỏi, những câu chuyện mà thầy sẽ kể cho các em. Sau đó chúng ta sẽ thảo luận đề tài: “Hãy học cùng cha mẹ”.

Thầy giáo bắt đầu vào đề bằng câu hỏi.

- Có em nào biết tên cái, tên gọi của mẹ mình là gì không?

Bọn trẻ đệ thất (bằng lớp sáu bây giờ), chúng tôi nhìn nhau im lặng. Từ trước đến giờ chưa có bao giờ chúng tôi nghe thấy ai gọi tên của mẹ chúng tôi bao giờ cả. Trong gia đình, làng xóm, những người thân quen, họ chỉ gọi tên bố của chúng tôi mà thôi. Dân chúng theo tập quán của làng thì thường lấy tên con trai đầu lòng ra mà gọi thay cho người cha, người mẹ, thí dụ như Bố thằng Tí, mẹ thằng Tèo.

Thầy nói tiếp,

- Các em hãy tìm hiểu về bản thân, cuộc đời của cha mẹ mình, những việc làm âm thầm, những ước muốn, những lo lắng của cha mẹ về tương lai con cái, những hy sinh mà cha mẹ các em chưa bao giờ thố lộ cho các em biết.

Thầy cũng gợi ý cho chúng tôi rằng người cha là người hiểu biết về người mẹ nhiều và ngược lại người mẹ cũng thế. Các em hãy học cùng mẹ cha để biết và yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Các em hãy viết thành bài luận văn nộp cho thầy vào tuần tới.

Cái thời học sinh của tôi ngày ấy, mới đây mà đã gần năm mươi năm trôi qua. Cái dĩ vãng ấy, tự nhiên hôm nay lai hiện ra trong tâm trí tôi. Chủ nhật đầu tháng chín là ngày mà dân Úc chọn là ngày Father’s Day, ngày nhớ ơn cha. Con cái nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục. Tôi nghĩ cả năm người dân Úc mới có được một ngày nhớ ơn cha, thì chắc hẳn thua xa dân Việt Nam chúng ta. Người Việt Nam luôn nhớ ơn cha mẹ mọi giây, mọi phút, mọi ngày trong đời sống của mình. Ông bà chúng ta đã dậy, làm con thì phải hiếu thảo với mẹ cha suốt đời, khi sống cũng như lúc đã qua đời thì mới tròn đạo làm con.

 

Cha mẹ học cùng con

Thời bây giờ, những ai có con đang ở tuổi học sinh và nhất là đang học lớp 11 hay lớp 12, thì đều hiểu rõ câu nói: “Cha mẹ học cùng con”. 

Tôi có người bạn, chị ta đi lễ sáng ngày Chúa Nhật, lễ gần xong thì chị ta đã vội vã làm dấu ra về cùng đứa con. Tôi hỏi thăm,

- Đi đâu mà vội vậy.

- Dạ! em đi học. Hôm nay cha giảng hơi dài, nên sợ trễ lớp.

Tôi trợn mắt như không hiểu. Chị ta chợt nhớ ra là đã trả lời tôi không rõ, chị nói vội thêm.

-  Em đưa cháu đi học thêm, cháu có lớp lúc 10 giờ sáng.

Cha mẹ học cùng con là thế đấy. Khi chở con đi học kèm, thì ngồi ngoài xe chờ đợi khoảng từ một đến hai giờ, chờ đến khi tan lớp học rồi chở chúng về nhà. Những đêm con thức để học khuya, cha mẹ cùng thức với con. Cha thì kiếm tờ báo đọc, còn mẹ thì nấu nước pha trà sâm cho con uống, có khi nấu cháo, nấu mì cho con ăn để có sức tỉnh táo mà học bài. Chờ đến khi con tắt đèn đi ngủ thì cha mẹ mới về phòng đi ngủ. Con cái là tài sản của mẹ cha, nên họ muôn thức cùng con để khích lệ tinh thần. Họ thầm thĩ cầu xin cho con họ làm bài thi đạt được điểm cao, vào được ngành nghề như ý muốn.

Chính vì thế mà nhiều học sinh ngày nay chỉ biết ăn và học chữ mà thôi. Có những em sau khi học xong Đại Học vẫn chưa biết nấu ăn, chưa biết đi chợ mua thịt, cá, rau về làm cơm cho gia đình. Có khi chúng nấu nồi cơm còn bị khô, bị nhão, thì làm sao chúng biết làm các món ngon cho mẹ hoặc làm món nhậu cho cha. Cái quần, cái áo còn chưa biết ủi thì nói chi đến chuyện thêu thùa, may vá như các cụ ngày xưa dậy cho con gái phải có Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Con trai bây giờ cũng thế. Chúng chưa biết cầm cái búa đóng  đinh để sửa lại mái tôn nhà, chưa biết thay cầu chì điện, chưa biết sửa cái bàn, cái ghế bị long đinh thì còn nói chi đến truyện lớn lao ngoài xã hội.

Các cô cậu Tú Tài ngày nay là thế đấy. Đã có cha mẹ hầu hạ, lo lắng cho đủ điều. Cha mẹ là đầy tớ không công, là những kẻ có bổn phận phải nuôi dưỡng con cái, nhưng có đứa con ngỗ nghịch đã nói rằng: khi ông bà sinh tôi ra đời, ông bà đâu có hỏi ý kiến tôi. Đau lòng qúa, phải không quí vị phụ huynh. Nó đã không biết rằng cha mẹ phải có bổn phận nuôi dưỡng theo kiểu nó hiểu, thì khác xa với cách nuôi dưỡng đầy tình thương mà cha mẹ của nó đã dành cho nó. Nuôi theo kiểu nó hiểu, thì người ta nuôi cho nó đủ ăn để mà sống và dưỡng cho nó khỏi chết như kiểu trong ngục tù là đủ rồi.

 

Gương hy sinh của cha mẹ

Cha tôi đi lính, đóng ở đơn vị xa nhà. Thế nhưng tôi đã học được rất nhiều gương từ những người làm cha trong xứ đạo của tôi thời bấy giờ. Những người giàu có, người nghèo khổ, người đạo đức, người chăm chỉ làm việc, người hiền lành, người dân quê chất phát, người học thức.

Người mà tôi sống gần gũi nhiều nhất và học biết được nhiều điều nhất là mẹ tôi. Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe chuyện bát cháo chữa cho tôi khỏi đói lả ở trên tàu từ Hải phòng vào miền nam, hồi năm 1954. Tôi lúc đó chỉ độ bốn tuổi, trên tàu không được phát lương thực, nên tôi bị đói, khóc gào lên: “Mẹ ơi! Con lả rồi mẹ ơi”. Lả, theo tiếng miền bắc là đói muốn xỉu rồi. Mẹ tôi xin những người chung quanh, cùng cảnh di cư mãi mới được chén nước cháo cho tôi húp đỡ đói. Mẹ tôi cũng kể cho tôi nghe về chuyện mẹ chịu tanh hôi, kiêng gió, đóng cửa và ở trong nhà khi tôi bị bệnh đậu mùa lúc tôi được một tuổi, vì sợ cơn bệnh sẽ có biến chứng. Tôi lớn lên trong cảnh con nhà nghèo. Tôi là con đầu lòng, nên mọi việc lớn nhỏ, từ nấu ăn trong nhà đến vào rừng kiếm củi về đun, ra ngoài ruộng để mót rau, kín nước giặt giũ, tắm heo, bồng em, đút cơm cho các em… Tôi kiêm đủ mọi việc thế mà ngày ấy tôi vẫn học được.

Lớn lên tôi lập gia đình, sinh con và gặp phải lúc đổi thời thế, bao nhiêu tiền bạc để dành, chơi hội đã theo chân những người di tản đi tứ phương, nên gặp cảnh nghèo. Nhà nghèo mà con cái đông và trẻ dại, chúng tôi xoay đủ thứ nghề để kiếm được miếng cơm nuôi con, cho chúng khỏi phải ăn bo-bo. Từ nghề vào rừng tre đi kiếm măng tre về luộc đem ra chợ bán, vắt cắn máu chảy dài dọc theo ống quần mỗi ngày, thế mà tôi chẳng sợ chỉ quệt tí nước thuốc lào là con vắt nhả ra, vết cắn lành chẳng hề gì cả. Hết măng, tôi lại đi vào rừng già từ 3 giờ sáng để cưa cây, chẻ củi đem ra chợ đổi gạo. Hết củi, tôi xoay nghề mua than. Đạp xe than, bao than nặng 100 kí lô, thêm 20 kí lô cột dằn trên tay lái cho nó cân xe, từ xứ Bùi Chu, Hố Nai về Ngã Bảy, Sài Gòn để bán. Hết than lại xoay qua nghề buôn thùng thiếc theo xe lửa ra ngoài Phan Thiết để bán. Buôn bán ế ẩm và vì đường xa, tôi lại xoay nghề đi bán kẹo kéo, rồi vào tổ hợp đan võng, bán vé số. Sau này, tôi được người tốt bụng khuyến khích, trở lại cái nghề mà tôi đã học được ở trường Quân Y trước năm 1975.

Những năm tháng ấy, chúng tôi chẳng nề lao nhọc, lòng chỉ mong kiếm được miếng cơm nuôi các con khỏi đói lả như tôi ngày xưa là được rồi.

 ..Còn tiếp..)

| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net