android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Sống đạo ba kinh

11-6-09.

(Chuyện cấm người già đọc) Thuỵ Miên.

Tôi sinh ra trong một gia đình đạo gốc từ miền bắc, lớn lên lấy vợ thuộc gốc Bùi Chu. Nhất là khi tôi lấy vợ bị cha xứ khảo các kinh cầu như kinh cầu Đức Bà, kinh cầu ông thánh Giuse, kinh cầu Chịu nạn, kinh cầu hồn, tôi thuộc lòng lòng. Ấy vậy mà dạo này, nhà tôi hay chê rằng bố con tôi sống đạo chỉ biết có ba kinh mà thôi, thử hỏi xem có oan ức cho tôi qúa không nhỉ.

Từ ngày tôi lưu lạc về xứ Tasmania này, thì việc tìm được một trung tâm công giáo Việt Nam là điều khó có thề, mà dịp để hội họp nhau trong cùng một thánh đường cũng hiếm khi xảy ra. Cho nên tôi vội vàng mở máy vi tính tìm cho bằng được ba kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh bằng tiếng Anh để học thuộc lòng, phòng khi đến nhà thờ còn có thể đọc, để tham dự cầu nguyện với người tây. Thú thật là càng học thì càng quên. Chắc có lẽ lớn tuổi nên trí nhớ không thèm làm việc nữa, cứ đọc được câu này thì lại quên câu kia. Tôi phải mất đến gần cả tháng trời mới thuộc được ba kinh ấy.

Thế nhưng, đấy chưa phải là nguyên nhân chính mà nhà tôi chê rằng tôi giữ đạo ba kinh. Lại còn một nguyên nhân khác nữa, ấy là vì độ hơn mười năm nay, các con tôi đều đang ở các lớp học thi cả, cứ lần lượt đứa này, rồi đến đứa nọ, thành thử tôi đề nghị đọc kinh đơn giản để các con có giờ mà học thi. Lâu rồi thành thói quen, và vì không gặp nhau chung một giờ nữa lên tôi cho phép chúng đọc kinh riêng. Cái tội của tôi từ ấy mà sinh ra. Chúng dần dần trở nên lười biếng kinh sách.

Đời sống con người ta qúa vất vả, nhất là những ai đang ở nước ngoài đều hiểu điều này. Bố mẹ thì vất vả trong công việc hãng sở, con cái thì vất vả trong công việc học hành, ông bà thì vất vả trong công việc giữ các cháu, ai cũng có việc cả. Từ khi mặt trời chưa mọc cho đến khi chẳng còn thấy mặt trời. Ai cũng cho rằng mình còn khoẻ thì phải còn làm việc, phải lo phần xác cho mình và cho con cái. Chính vì thế mà đùng một cái, khi nhìn lại cuộc đời thì hỡi ôi con với cái, kinh với sách chẳng còn ra đâu vào đâu cả. Đôi khi chúng còn chả cheo: “Con đâu có làm điều gì sai trái lỗi luật với ai đâu mà sợ Chúa phạt”.

Quý vị thử nghĩ xem, chúng nói như vậy mà ai chịu nổi cho được.

Có những lúc chúng còn chua thêm câu chuyện của ông này bà nọ, được tiếng là sống đạo tốt lành, kinh sách đọc thuộc lòng mọi kinh, đi lễ ngày hai ba lần, làm tới chức ông này, bà kia trong họ đạo thế mà đùng một cái tổ chức vượt biên giả, giật hội, quịt nợ để biết bao người phải khốn khổ vì bị mất hết tiền. Chúng còn kể ra một lô những sự đổi thay của những người trước đây nghèo khổ, thì cách cư xử của họ với tha nhân còn đầy lòng bác ái, nhưng bây giờ họ làm ăn thành công trong vấn đề tiền bạc, thì hình như họ chỉ coi trọng tiền bạc, những ai mang lại lợi tức cho họ mà thôi, còn mọi thứ khác thì họ coi như là thứ yếu, đôi khi còn mất cả tình người, đúng với câu: “tình cảm là chín nhưng tiền bạc là mười”.

Sống đạo ngày hôm nay khó quá phải không các người tuổi trẻ. Nếu cứ chia hai chữ sống và chữ đạo ra làm hai tìm hiểu từng từ ngữ, rồi ghép lại thì có lẽ sẽ dễ hiểu hơn về sự sống đạo. Sống về thể xác là từ khi chúng ta được sinh ra từ trong bụng mẹ, rồi cất tiếng khóc chào đời, mọi người thân thiết mừng vui và tuyên bố rằng đứa bé sống, mẹ tròn con vuông như các cụ ngày xưa thường nói. Sống bao gồm sự động đậy, phát triển và tăng trưởng về thể xác cho tới một mức tối đa nào đó rồi dần dần ngừng lại ở một độ tuổi nào đó. Sự sống của con người còn lệ thuộc vào nhiều thứ như gia đình, bạn bè, xã hội, môi trường. Nó cũng bao gồm cả về tâm lý, tình cảm, tinh thần và trí khôn nữa. Tuy rằng sự sống của mỗi người mỗi khác, ngắn dài tuỳ theo từng người, từng thời gian, và tùy theo sức khỏe của bản thân của họ. Tuy nhiên, điều mà giúp cho sự sống của thể xác chúng ta được sống, được tăng trưởng, đó là thức ăn. Nếu thiếu thức ăn thì việc đầu tiên là cơ thể của chúng ta bị suy dinh dưỡng, rồi sau đó bị chết. Chết còn được định nghĩa là thời điểm chót của cuộc sống.

Đạo theo diễn nghĩa đen thì nó có nghĩa là đường, là lối đi. Có nhiều lối đi, nhiều đường nhỏ dẫn đến và hợp thành một con đường lớn. Đường cũng còn được hiểu rằng con đường mà một ai đó đã phát hoang từ khu rừng hay bụi rậm để dẫn lối chúng ta tới nơi chúng ta muốn đến hay thoát ra khỏi một khu rừng già mà chúng ta đang bị lạc lối, không biết hướng thoát ra. Con đường này chắc hẳn cũng có thể có nhiều người đã đi qua, hay cũng có thể nó do nhiều người, góp công sức mà tạo thành con đường hoàn hảo như chúng ta thấy ngày hôm nay. Đạo còn có nghĩa bóng về tín ngưỡng, đó là cách lối, hướng đi của người sáng lập đã lập ra để cho những người tin theo nhà sáng lập ấy đến được nơi cùng đích và gặp gỡ được đấng họ tôn thờ, sùng bái.

Hiểu được chữ “sống” và chữ “đạo” một cách toàn diện như thế, khi ghép lại thành từ “sống đạo” chúng ta mới hiểu rõ thế nào là sống đạo. Đó là một cuộc sống của những con người sống trên trần gian này theo một lối đi mà đấng họ tin thờ đã lập ra và đã đi qua trước họ. Theo con đường ấy họ sẽ gặp gỡ được đấng họ tôn thờ. Còn sống đời thì họ chỉ gặp gỡ tha nhân, những người có thể là anh em bạn hữu, bà con thân thuộc, những người cùng công ăn, việc làm với họ. Còn sống đạo thì họ có cơ hội nhiều hơn, họ gặp gỡ mọi người, có thể là khác địa vị trong xã hội hay không cùng một màu da, nhưng họ là những người có cùng một đấng tôn thờ, mà người công giáo chúng ta thường gọi là người Cha chung trên trời.

Đường mà Chúa Giêsu đã đi ngày xưa là từ trời xuống thế bằng cách nhập thể trong cung lòng trinh nữ Maria, được sinh ra làm người như chúng ta. Những lời Người giảng dậy cho môn đệ, cho dân chúng. Cách sống và đường lối giáo huấn của Ngài đã dậy cho chúng ta biết tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và yêu thương anh em đồng loại bằng tình bác ái.

 

Kinh thứ nhất: Kinh Lạy Cha

Trong thời kỳ của các môn đệ. Chúa Giêsu đã dậy các ông cách cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha qua kinh Lạy Cha.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Thật vậy Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta biết mọi người dưới thế còn có một cha chung, Đấng đang ngự trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Tất cả chúng ta cùng cầu nguyện và ước ao cho danh Cha được biết đến từ khắp mọi nơi trên địa cầu. Nước Cha trị đến, và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Nếu chúng ta cùng nhau chúc tụng danh Cha, và cùng nhau sống thực hiện lời Chúa truyền dạy. Chúng ta thể hiện cách sống làm chứng nhân cho tin mừng, đem tin yêu đến với mọi người thì lời cầu xin của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời. Như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ được mở cho. Cho nên phần sau của kinh Lạy Cha là lời mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách cầu xin.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày dùng đủ. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ngày xưa Chúa ban bánh Manna cho dân Do Thái khi họ đang di chuyển đến vùng đất hứa. Có nhiều người ăn no rồi nhưng cũng còn cố gắng lấy thêm để phòng hờ khi Chúa quên, thì còn có mà ăn. Nào ngờ ngủ qua đêm thì bánh đã chảy thành nước hết, uổng công nhọc sức mà chẳng được sự gì cả. Lòi cầu xin trên còn cho chúng ta nhận thức được rằng chúng ta cầu xin cho mọi người đều được có của ăn, hay nói khác đi là chúng ta biết chia cơm sẻ áo cho những người kém may mắn hơn chúng ta, và vì chúng ta đều là con của Cha chung trên trời. Lời cầu xin cho chúng con lương thực hàng ngày còn nhắc nhở chúng ta về thức ăn cho phần hồn của chúng ta nữa, đó chính là mình và máu thánh Chúa, qua phép bí tích Thánh Thể mà Người đã trở nên lương thực nuôi phần hồn của chúng ta hàng ngày.

Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Đây là lời cầu xin tuyệt diệu mà Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ cũng như cho chúng ta. Để được Cha tha nợ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha cho kẻ mắc nợ chúng ta. Kẻ có nợ chúng ta thì ít nhưng chúng ta nợ của Thiên Chúa thì rất nhiều. Vậy nếu chúng ta muốn được thứ tha thì hãy biết tha thứ cho anh em. Kinh Lạy Cha còn là linh dược chữa sự bất hòa trong gia đình, trong đoàn thể, trong họ hàng. Ngày xưa khi tôi đi lập gia đình, cha xứ đã dạy chúng tôi phải biết luôn yêu thương nhau, khi nào có sự bất hòa thì trước hết hãy cùng nhau đọc thật chậm kinh Lạy Cha, rồi ngồi lại nói lời hơn lẽ thiệt, phân giải sự tình. Nhờ thế mà chúng tôi mới chịu đựng được những lỗi phạm của nhau cho đến bây giờ.

Hỡi các người cha trẻ trong gia đình, hãy dạy cho con trẻ khi vừa biết tập nói cách đọc kinh Lạy Cha hàng ngày và đọc theo kiểu người đời: “ Cha ơi, chúng con yêu cha lắm, chúng con yêu cha từ trong trái tim của chúng con chứ không phải bằng lời nói suông mà thôi. Chúng con ước gì cha được khỏe và trẻ mãi không già, để anh em chúng con được hưởng tình thương của cha. Chúng con mong cha có công ăn việc làm, để chúng con có cơm ăn, áo mặc. Chúng con xin cha, tha những lỗi lầm mà chúng con đã lỗi phạm đến cha, như chúng con đã tha thứ cho anh em, những lỗi lầm mà họ xúc phạm đến chúng con. Xin cha thương bảo bọc chúng con khỏi mọi sự dữ, và cứu thóat chúng con khỏi mọi sự hiểm nguy”. Ước mong các em bé của mọi gia đình biết đọc thuộc những lời nói trên để thổ lộ tâm sự và cám ơn người cha của mình.

 

Kinh thứ hai: Kinh Tin Kính

Sống ở đời, thường thì người ta thường hay tin làm sao thì sống làm vậy. Cho nên ngay từ thửa ban đầu của hội thánh mới lập, các thánh tông đồ dạy cho giáo dân biết kinh Tin Kính. Kinh ấy chúng ta ngày nay vẫn còn đọc để tuyên xưng đức tin.

Chúng ta tin rằng Thiên chúa là đấng phép tắc vô cùng, người đã sáng tạo nên đất trời; mà Người có Ba Ngôi, Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần; Ba Ngôi cùng một tính, một phép cho nên Ba Ngôi cũng là một Chúa mà thôi.

Chúng ta tin Ngôi thứ Hai ra đời làm người sinh bởi Bà Maria đồng trinh; đặt tên là Giêsu; ở thế gian 33 năm, chịu chết trên cây thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ; đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi 40 ngày Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha; đủ 10 ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh tông đồ và Hội thánh mới lập. Chúng ta tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế gian. Chúng ta tin có phép tha tội. Chúng ta tin có các thánh thông công. Chúng ta tin linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được, và xác loài người đến ngày tận thế sẽ sống lại mà chịu phán xét; kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời; kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng.

Chính những điều chúng ta tin đã tạo cho chúng ta một cuộc sống trong sự tôn thờ Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời, và là Đấng duy nhất mà chúng ta tôn kính. Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện đang ngự trong hình bánh và qua bí tích Thánh Thể, Người trở nên làm của nuôi hàng ngày cho phần hồn của chúng ta. Chính vì tin như vậy chúng ta cần phải chịu phép rửa tội cùng năng chịu các phép Bí tích giải tội, phép Mình thánh Chúa, là những Bí Tích cần kíp cho mọi người, được gặp và hưởng nhan thánh Thiên Chúa.

Chúng ta tin những sự ấy không thì chưa đủ để được lên thiên đàng, vì không phải những ai chỉ biết kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được nước trời cả đâu. Song phải giữ mười điều răn Đức Chúa Trời, cùng sáu luật điều Hội thánh dạy, và làm những việc lành phúc đức, cùng xa lánh các tội lỗi, nhất là bảy mối tội đầu: Kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng việc tông đồ.

 

Kinh thứ ba: kinh Kính Mừng

Mẹ Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn trong muôn muôn phụ nữ, để làm mẹ Ngôi Hai con Chúa. Mẹ đã đồng công cứu chuộc nhân loại qua cuộc sống suốt đời vâng phục của mẹ. Trong những ngày đầu của hội thánh mới lập. Mẹ Maria đã cùng các thánh tông đồ cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần trợ lực cho giáo hội sơ khai. Mẹ cầu xin cho các tông đồ có được đức tin vững mạnh để hòan thành sứ vụ rao giảng Tin mừng của các ngài. Mẹ đã gắn liền với cuộc sống của các thánh tông đồ, kể từ khi Chúa Giêsu trên cây thập giá trối ông thánh Gioan cho mẹ: “Thưa Bà này là con bà”. Từ đó mẹ Maria chính là mẹ của chúng ta những người tin vào Thiên Chúa. Giáo hội kết hợp lời chào của thiên thần Gabriel, lời chúc tụng của bà Elizabeth để viết nên phần đầu của kinh Kính mừng như chúng ta thường đọc: Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức mẹ Chúa Trời. Vâng chính vì mẹ Maria là mẹ Chúa Trời, và là mẹ của những người tin vào Thiên Chúa, nên chúng ta chạy đến cầu xin cùng mẹ chắc chắn mẹ sẽ nhận lời. Mẹ Maria sẽ chuyển đổi lời cầu xin của chúng ta lên tới Chúa Giêsu, con của mẹ. Mẹ sẽ ở bên cạnh chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc và nhất là trong giờ nguy nan hay trong giây phút cuối của cuộc đời, như mẹ đã đứng gần bên cây thánh giá khi Chúa Giêsu là con mẹ đã chút hơi thở cuối cuộc đời.

 

Thưa qúy vị. tôi sống đạo với ba kinh ấy để suy niệm về cuộc đời Chúa Giêsu và áp dụng vào đời sống gia đình mình. Đọc nhiều kinh quá thì con cái cho là không thuộc và khó hiểu. Chúng lại còn cho là không có thì giờ. Từ ngày tham dự khóa ba ngày của Cursillô. Tôi quyết tâm đọc kinh tối ngay khi vừa buông bát đũa xuống, ngay tại bàn ăn. Buổi đọc kinh tuy ngắn nhưng đầy đủ, nó bao gồm một ngắm trong chuỗi Mân Côi, một đoạn Phúc âm, kinh lạy Nữ vương, kinh Cám ơn, kinh Trông cây. Tôi nghĩ rằng tuy ngắn gọn nhưng với sự tin tưởng hết lòng vào Thiên Chúa, vào Mẹ Maria. Các con tôi sẽ tránh được kiểu “giữ đạo ba vào”. Đó là: Ẵm vào khi con bé để xin được Rửa tội. Dắt vào khi chúng làm Hôn phối, và cuối cùng là khênh vào khi chúng lìa đời.

 

Thụy Miên.

| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net