android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Một ngày ở Bùi chu.

THẢO VY
Không kể những người phải làm những công việc về ban đêm, những người đi buôn, đi bán, nửa đêm họ đã phải về chợ đầu mối ở Sặt lấy hàng, hay đi Biên Hòa lấy tôm, lấy cá từ giữa đêm cho đến sáng.

Ta hãy lấy mốc điểm từ lúc chuông nhà thờ đổ lên báo hiệu một ngày mới, (ở ta thường gọi là chuông nhất). Lúc này mặt trời vẫn còn ngủ, sương còn giăng mờ một mầu trắng đục xà trên đầu ngọn cây, cỏ đường còn ướt đẫm sương đêm, nhưng mọi sinh hoạt ở Bùi Chu cũng trở mình thức giấc đồng loạt để bắt đầu cho một ngày mới.

Những người chưa có việc gì trong ngày cần phải làm sớm, như những cụ già, các em thanh thiếu niên, thì sửa soạn đi lễ, tiếng gọi con cái và đánh thức chúng dậy để đi lễ nhẹ nhàng tại mỗi nhà, trong khi những người trồng hoa màu đã vội vã ra ruộng, ra vườn hái rau, hái trái để kịp buổi chợ, những người lo lắng cho sức khỏe, gìa thì chuẩn bị ra đường đi bộ để tập dưỡng sinh, như anh chị Khải, ông Ngọc hoặc còn trẻ thì chạy như Khoa, như Thái, phòng tập thể dục thẩm mỹ cũng rục rịch mở cửa, phòng chơi cầu lông của Hội người cao tuổi của ông Vũ Hiển, cũng đã thấy tiếng vợt đánh qua đánh lại. Tiếng máy xe Honda rộn vang xóm ngõ, người đi giao hàng, người đi lấy hàng, những lò mổ heo, bò, gà, vịt đã làm việc sớm hơn để kịp có thịt, có xương cho bạn hàng kịp đến lấy về nấu nướng bán cho khách ăn bữa điểm tâm, các quán cà phê trên đầu đường nơi Ngã ba Trị An đã mở cửa đón anh em xe ôm vào ngồi uống cà phê hút thuốc chờ khách, cùng với những người sống trong xóm gần quán thức sớm, ra làm ly cà phê cho tỉnh, mùi cà phê thơm ngát bay xa. Tại ngã ba, mấy người xe ôm co ro ngồi trên yên xe hút thuốc rủ rỉ chuyện trò, khi có xe đò ngừng, họ vội rồ máy chạy lại chào mời, ai có khách thì vội vàng chở khách đi, còn ai không có khách thì quay lại bến, tắt máy ngồi chờ khách, chuyện vãn với đồng nghiệp. Khắp các thôn xóm, các nhà bán bún riêu, bún mọc, bánh cuốn, hủ tiếu, phở, mì, cháo lòng, tiết canh, giò chả, bếp núc đã chuẩn bị sẵn sàng, dao thớt khua lách cách, trên ngọn lửa hồng ở cái bếp góc nhà với nồi nước giùng (nước lèo) nóng khói nghi ngút bay thơm lừng, cửa hàng đã mở ra với đèn điện sáng trưng để kê bàn, xếp ghế, cùng trưng bát, đũa, thìa, gia vị nước mắm, ớt tiêu sẵn sàng ra bàn để phục vụ khách ăn.

Sau hồi chuông thứ nhất, từ máy khuyếch âm tiếng kinh, tiếng hát vang vọng khắp các nơi, trong khi giáo dân đã bắt đầu lục tục rời nhà để thẳng bước đến nhà thờ, những ngọn đèn cao áp tự động bật sáng, chiếu ánh sáng xuyên qua lớp sương mờ trắng đục để soi rõ lối cho người đi, xe cộ trên đường cũng bắt đầu nhộn nhịp, nên những ông gìa, bà cả cũng gặp khó khăn khi muốn bước qua đường! Tiếng chuông lần thứ hai thong thả buông, (gọi là chuông nguyện kinh) khi tiếng máy cất lên giọng ai đó bắt đầu kinh nguyện, mọi người đã vào trong nhà thờ để thánh lễ bắt đầu ở nhà thờ chính của xứ đạo. Khi nhà thờ chính bắt đầu lễ, thì chuông nhà thờ Văn Côi nhỏ nhẹ vang lên cũng chuẩn bị cho những ai ngại qua bên đường đến dự lễ sáng, vì ở đây có cha cố xứ phụ trách lễ hàng ngày và lễ Chúa nhật.

Lễ xong, người người ùn ùn kéo ra đứng đầy bên lề đường đợi vãn xe mới dám đồng loạt qua đường, mặc dù làn vạch dành cho người đi bộ kẻ trên mặt đường trắng xóa, nhưng lái xe vẫn vội vã chạy qua, không có mấy tài xế ý thức nhường đường. Lúc này xe trên đường mỗi lúc một đông, xe từ thành phố ra, xe từ các tỉnh đến, xe ngoài Bắc vào, đủ mọi loại xe từ lớn tới nhỏ, tất cả đều phải chạy qua con đường huyết mạch này, tạo thành một dòng xe chạy liên tục không mấy khi ngưng nghỉ, tiếng máy, tiếng còi xe, tiếng la hét của phụ xế tạo nên những âm thanh hỗn tạp ầm ì suốt ngày. Trời cũng dần sáng, bình minh bắt đầu khi mặt trời đã ửng hồng chiếu những tia nắng hình rẻ quạt vút lên ở hướng Đông, lung linh ánh hào quang nhiều mầu như những hạt kim cương li ti do ánh sương đêm lấp lánh trên cành cây ngọn cỏ tạo thành. Những người đi lễ về chào hỏi nhau rôm rả, họ tạt ngang những hàng quán bên đường mua những món ăn sáng như bánh mì chú Cảnh, xôi, bánh cuốn của Thủy, bún bỏ bịch, xách tòn teng trên tay mang về cho con ăn sáng. Tại các phòng mạch tư, các bác sĩ thuộc địa phương, nhà ở Bùi Chu như: BS.Thanh, Ys.Duy cũng chuẩn bị khám bệnh ngoài giờ hành chánh cho ai cần đến.

Trời mỗi lúc một sáng tỏ hơn, các em học sinh chỉnh tề trong những bộ đồng phục, áo trắng quần xanh, vai đeo cặp đi học, những người công nhân cũng đồng phục và phù hiệu hãng xưởng vội vàng đến sở làm, đời sống và tác phong công nghiệp đang đẩy lùi lối sống nông nghiệp xưa, nên họ phải đi sớm để còn kịp thời giờ đi tìm quán ăn sáng và những món mình thích, hay thay đổi món ăn, họ gặp nhau, chào hỏi nhau rồi rủ nhau đi ăn sáng, ê xuống nhà Hoàng ăn sáng đi bồ, không, tớ thích vào Hùng Rô, thôi hay là vào Trọng bớt, tiệm phở nhà Hải (Hổ) vào ngay nhà ông Quang đây này uống cà phê, có nồi bún của Khen bán hay lên Ngã Ba Trị An, ghé Sang 9999 hay ra chợ hay các quán dọc hai ven đường ăn, quán nhiều lắm, đều khắp các nơi các chỗ, ở nhà nấu nướng mà ăn nghe coi bộ hiếm rồi à nha; nên quán nào cũng đông người, ngon dở gì cũng có và bán rất chạy, các em học sinh giờ cũng có những hàng ăn bán dọc lối đi vào trong hai ngôi trường. Em nào cũng đưọc cha mẹ đưa cho mấy ngàn để ăn món gì mình thích tùy ý trước khi vào lớp. Phần đông thì đi bộ đến lớp, nhưng giờ đi đường thấy sao nguy hiểm qúa, nên các em cũng được cha mẹ quan tâm đến sự an nguy của con em mình, chở con đến tận cửa trường khi đi học và giờ tan trường cũng đến tận cổng trường đón về, nên vào giờ đi học và giờ tan trường, các đường dẫn vào trường cũng nhộn nhịp hết biết với những xe hai bánh chạy ra, chạy vào, trên xe chở đầy các em nhỏ lưng đeo ba lô đi học.

Tại khu ngã ba, hàng quán bắt đầu một ngày buôn bán mới, cửa chợ chật cứng những người là người, ngôi chợ mới được xây lại khang trang hơn, sạch sẽ hơn, nhưng luôn luôn ở tình trạng qúa tải. Các xí nghiệp nằm trên địa bàn địa phương giờ đều có lo thêm bữa ăn cho công nhân, nên những nhà thầu nấu ăn sáng sớm, đều phải đổ xô về chợ lấy hàng, bán buôn, bán lẻ, mối lái ì xèo, những chiếc xe hai bánh gắn máy đủ loại từ mới tinh đến cũ xì, muôn màu muôn vẻ, phía sau cột thêm những giỏ, những cần xé ngất nghểu, những rau, thịt, cá, trứng, đậu, củ qủa, hoa màu, chạy đúng như mắc cửi, chen chân với hàng ngàn công nhân, từ các nơi đến, cùng với những người sống ở đây, rồi từ các nhà trọ đổ ra, người đi bộ, người đi xe đạp, xe Honda đèo nhau, chở đôi chở ba, gặp nhau chào hỏi nói cười, mua bán, người người đi chợ, tay thúng, tay giỏ, đội nón, đội mũ xanh, đỏ đủ màu, nhiều người để tránh bụi, mặt đeo khẩu trang, nhìn chẳng còn nhận biết ai ra ai, nếu họ không lên tiếng. Chen lẫn với những xe bán bánh, bán nước giải khát, vé số, bán báo cộng với khu giữ gửi xe quây kín trước mặt chợ. Những chiếc xe đò đón khách vào trong khu Suối Đá, Trị An, Lý Lịch chào mời đón khách ngừng lại gây ùn tắc giao thông, cộng với những xe hàng, xe buýt, xe chở công nhân, học sinh, xe chở đất đá to đùng ì ì chen lấn nhau qua khúc đường ngắn trước cửa chợ.

Tại các quán cà phê chật ních những người là người, chuyện trò xen lẫn trong tiếng nhạc xập xình từ quán cóc cà phê túi, đến những tiệm sang hơn như Sông Mây, Hình Như Là, mà đặc biệt là Cảm Xúc với các bàn kê chật trên sân thượng lầu ba cao ngất, vừa uống cà phê vừa ngó trời xanh, mây trắng lững lờ bay bay, với cảnh trí thiên nhiên xa xa và các ngọn cây xanh chung quanh khu vực quán. Tuy không thơ mộng nhưng cũng là một loại hình kinh doanh gây ấn tượng, nên cũng thu hút đông khách hàng trẻ tuổi đến ngồi thưởng thức những ly cà phê phin đen nhánh thơm lừng.

Nắng lên hơn một chút, các cửa hiệu đồng loạt mở cửa, tiệm vàng, tiệm máy điện tử, hàng gia dụng, đồ điện, ống nước, cơ khí, quần áo, giầy dép, chụp ảnh, quay video, xe gắn máy, mũ nón tấp nập kẻ ra người vào tạo thành khu buôn bán sầm uất, suốt từ khu ngã ba vào qua khu chợ. Những nhà máy chà lúa gạo chạy ầm ì có khi cả đêm, sáng vẫn tiếp tục chạy, nhưng có khi đêm nghỉ sáng máy chạy sớm, những người có heo bán chở hết xe này, đến xe khác đến cân những tiếng heo kêu eng éc, ìn ịt cộng với tiếng bô xe lam banh banh nhức lỗ tai. Những tiệm hàn xì làm sớm với những tia lửa chớp tắt nhập nhoàng như những ánh chớp hắt ra ngoài đường trông lóa mắt, cộng với tiếng búa, tiếng máy cưa sắt reng reng cùng khắp, ở thôn ấp mà ngỡ như đi lạc vào khu công nghiệp nào đó. Nơi chợ cũ, cửa hàng bán hòm của ông Hải cũng mở ra để lộ những hàng hòm vàng bóng kê cao trên những cái chân bằng gỗ, cạnh đó là tiệm photo copy cũng mở cửa làm việc, có ông Hải chỉnh tề với cặp kính lão xệ xuống sống mũi đang ngồi coi báo, uống nước trà.

Trên đường chính, xe cộ tấp nập qua lại, cư dân xe chạy xuôi ngược nghịch chiều nhau cứ nhìn nhau để tránh, không theo luật lệ nào, sống bên phía đường nào thì cứ đi lên đi xuống phía bên mình ở, bởi vì chạy qua đường giờ cũng rất khó, vì xe qúa nhiều. Các tiệm internet cũng đã mở cửa để ai muốn vào truy cập, chat chúa gì mặc thích với những webcam nho nhỏ gắn bên trên mỗi máy cho khách có thể nhìn nhau khi chat. Lúc này, các nơi bán thức ăn sáng ngồi nhờ tạm trước nhà ai đó bắt đầu dọn dẹp, trả lại hiên nhà cho chủ nhà mở cửa tiệm, những sinh hoạt thường ngày theo nề nếp cũ, tiệm hớt cắt tóc, tạp hóa, nước giải khát, tiệm kính, tiệm nhôm mới mở cửa bán hàng.

Nhà thờ sau thánh lễ, trở nên vắng vẻ hơn nếu không phải Chúa Nhật hay ngày lễ, các vị chức việc trong xứ về nhà ăn chút lót dạ đã lại tề tựu tại văn phòng giáo xứ để cùng nhau tham gia công tác chung của giáo xứ, từ việc thờ phượng đến những công tác xã hội như sửa đường, xây cầu, trang trí xây dựng, nói chung là những việc công ích của cả đạo lẫn đời, các vị đều đưa tay ra chung sức tham gia, đông đủ trong suốt nhiệm kỳ phục vụ một cách hăng say. Chính nhờ vào lòng nhiệt thành phục vụ này mà xứ đạo ngày một trở nên khang trang sạch đẹp.

Mọi việc chỉ lắng đọng chút ít khi buổi trưa đến với cái nắng chói chang của miền nhiệt đới, lúc này núp được dưới bóng những cây xanh xum xuê cành lá thì thích biết mấy, nhưng cây bây giờ chỉ còn xanh khi vào mùa mưa, khi những cơn mưa lớn đổ những khối lượng lớn nước để gột rửa đi những bụi bặm bám chặt vào cành lá từ gốc lên đến ngọn một mầu đất nâu nâu đo đỏ, cây mới trở lại thành cây, còn như những mùa chưa có mưa, với cái nắng nóng khủng khiếp đôi khi nhà không dám mở cửa đón những cơn gió mát thổi vào nhà vì gió mang theo bao nhiêu bụi bặm. Ngoài đường chính thì xe vẫn đông chiếc nọ nối đuôi chiếc kia ngược xuôi miệt mài như dòng sông không ngừng chảy. Trên đường chỉ còn hoạt động náo nhiệt của các em học sinh tan học buổi sáng và trễ hơn một tiếng sau thì các em khác lớp học ca chiều lại đến trường. Khu chợ không còn họp một buổi nữa mà chợ bây giờ họp cả ngày, sau khi nghỉ trưa, trên lề đường lối vào Sông Mây, một cái chợ khác nhỏ hơn bắt đầu bày hàng ra ngay lề đường buôn bán đón khách là những người công nhân tan ca tạt ngang chợ mua những thứ cần về nấu ăn bữa tối. Lúc này, những người bán món nhậu mới hoạt động. Thịt chó, thịt rừng, thịt dê, thịt thỏ, thịt vịt, thịt gà, gỏi đủ món, lẩu đồ biển, ngao, sò, ốc, hến, hột vịt lộn, bánh xèo, cháo lòng, cháo vịt, cháo gà mới được bày ra phục vụ cho các vị thích nhậu, mà chỗ nào cũng có, khắp hang cùng ngõ hẻm. Thế mà vẫn còn chưa vừa ý các đại gia, nên đôi khi các ngài phải bôn ba xứ người tìm món lạ, để đổi cho người nơi khác tìm đến nơi đây!

Mặt trời hơi ngả về Tây, lúc này con đường vào Sông Mây lại ùn tắc vì công nhân rời hãng xưởng ra về, các em học sinh rời lớp học, tiếng chuông nhà thờ lại đổ báo lễ buổi chiều cho những ai không thể đi lễ sáng. Các em thiếu nhi đi học giáo lý cùng sinh hoạt đoàn thể vui vẻ nhộn nhịp. Đường xá lại đông đúc những người và xe, cảnh trí cũng không kém phần hối hả như lúc bắt đầu một ngày. Đèn đường lại bật lên khi trời nhá nhem tối làm sáng rực suốt từ ngã ba đi vào xa tận tắp tít trong Chiến khu D, ngoài đường chính thì đến nhà thờ Văn Côi, những tiệm buôn bán nho nhỏ thì đóng cửa nghỉ, nhưng khu vực buôn bán chính thì sáng trưng điện đóm bán hàng đến 10 giờ đêm, khi vãn người đi lại trên đường mới thôi, trong khi đó các quán ăn nhậu, quán cà phê vẫn còn ồn ào tiếng người chuyện trò la hét, hát xướng.

Lễ xong, chuông tại các lễ đài các giáo họ lại reo vang rộn rã mời chào bà con tề tựu đọc kinh, trên sân đài với các hàng ghế đá ngay ngắn, thẳng lối được mọi người đến ngồi đọc kinh. Các hội cầu nguyện cứ thay nhau đi hết nhà này đến nhà kia đọc kinh theo lời thỉnh cầu của gia chủ, hội nào cũng đông đúc, cũng có máy khuyết âm để dễ dàng trong việc đọc sách, đọc lời nguyện cùng cất xướng kinh cũng được dễ dàng, sốt sắng, nhất là át được tiếng ồn của xe cộ khi những nhà nằm bên đường chính.

Sau những hoạt động trên, ngày dần tàn, những sinh hoạt cứ thưa dần, chuyển nhịp để chỉ còn riêng những ai có nhu cầu làm việc ban đêm mới tiếp tục vào ca, nhà nhà lại đóng cửa, nhưng đường chính những chiếc xe hai bánh như Honda, xe đạp thưa thớt đi rất nhiều, những chiếc xe tải lớn lợi dụng đường vắng người để chạy qua lại suốt đêm với những hành trình dài Bắc Trung Nam vẫn đều đặn tuy không nhiều nhưng xe chạy suốt đêm. Dân chúng ngủ để chờ sang ngày mới, chuyện kể đã hơi dài, nhưng một ngày ở Bùi Chu chắc cũng còn chưa kể đủ, xin mời gọi ai biết thì kể tiếp.
Tháng 7 năm 2005.
Thảo Vy.
| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net