18/6/12. Thuỵ Miên mừng sinh nhật buichu.net Bài mừng Bùi Chu Mến Yêu lên 7.
Người
mang tiếng ác
“Nếu
như trên thiên đàng còn có chỗ dành cho những người mang tiếng là “ác” như
thánh Phaolô, thì nó đâu còn lý do gì nữa mà không chỗi dạy, đi về nhà Cha với
lòng ăn năn thống hối”.
Nó từ nhỏ đã mang tiếng là ác. Mẹ nó
thường nói vậy, những khi nó đánh em nó túi bụi. Cũng không trách được nó vì nó
thường bị bố nó đánh đấm chí tử mỗi khi nó phạm tội. Cách giáo dục ngày xưa
theo kiểu “thương cho roi, cho vọt”, ai nấy đều vậy cả. Đến khi nó có con cũng
thế, mỗi lần con cái có lỗi phạm, vợ nó đều muốn nó trừng phạt lũ nhỏ. Nó cũng
cứ theo kiểu của ông bà dạy, để mà thương cho roi. Thậm chí có thằng con của nó
cho rằng nó qúa ác nên quyết định khi lớn lên thì sẽ không nuôi nó, hoặc lúc nó về già thì lừa
nó đi dạo bờ sông, sẽ đẩy nó xuống sông.
Các bà mẹ thì bao giờ cũng được mang
tiếng tốt, đứa con nào cũng thi nhau đòi nuôi mẹ, còn các bậc làm bố như nó thì
hỡi ôi, “ác ơi là ác” chẳng có đứa nào nhận nuôi.
Nó theo đạo từ nhỏ, hay nói đúng hơn
thì được rửa tội từ lúc mới sinh do một ông thầy già nào đó ở trong làng. Thời
buổi loạn ly nên chẳng gặp được cha xứ mà chịu phép rửa tội. Ở cái tuổi thiếu
niên, nó cũng được dạy kinh bổn do các ông bà quản dạy. Nó thuộc lòng nhưng
chẳng hiểu gì hết chơn. Thế mà nó cũng được chịu các phép Bí Tích như mọi đứa
trẻ khác. Bây giờ ngồi nghĩ lại, nó sống đạo ơ thờ như thế thì chết làm sao mà
nó lên thiên đàng cho được. Ông bà ta thường nói: Nhân bất học bất tri lý” hay
“vô tri bất mộ mến”, thật đúng thay.
Nó cứ tưởng đi đạo là rửa tội, đi lễ
ngày Chúa nhật thế là cầm chắc cái vé vào thiên đàng sau khi chết. Nào ngờ càng
học hỏi kinh thánh, nó mới hiểu ra nó mang tiếng là có đạo mà không sống đạo.
Có đạo mà chỉ muốn một mình nó lên thiên đàng mà thôi. Nó sợ Chúa phạt không
cho lên thiên đàng hơn là nó yêu kính Chúa. Nó yêu bản thân của nó chứ không
yêu mến tha nhân. Nó kiêu căng khi làm được ti tí việc tốt, chứ đâu có khiêm
nhường thực sự. Nó hay ghen ghét, chứ đâu có yêu người. Nó mê ăn mê uống chứ
nào có ăn uống tiết độ. Nói đúng ra thì con người của nó còn đầy những tham,
sân, si, nhục, dục.
Cho đến một ngày. Khi nó đối diện với hình
của Chúa Giêsu trong nhà nguyện. Nó mới biết mình chẳng biết gì cả về Người. Từ
đó nó đã lần mò tìm tòi, học hỏi về đời sống của Chúa Giêsu. Càng học hỏi nó
mới biết mình chẳng biết gì hết về Người. Nó chẳng hiểu gì về sự đến thế gian
của Người. Nó chẳng hiểu gì về sự giảng
dạy cũng như về chúc ngôn của người: “Các con hãy đi khắp thế gian, giảng dạy
cho muôn dân”. Nó cứ tưởng việc truyền giáo ấy là dành riêng cho những bậc tu
trì mà thôi. Nó đọc và nghe lời Chúa mà cứ như nước chảy vào lá khoai, vào tai
này mà ra tai kia. Nó đã sống đạo theo kiểu thờ ơ và thụ động đi “xem” lễ ngày Chúa
Nhật và hàng năm xưng tội một lần. Nó tự biện bạch rằng nó có làm gì nên tội,
nó không cướp của, giết người, nó không phạm pháp, nó ăn ngay ở lành, nó chắc
chắn lên thiên đàng cả giường lẫn chiếu. Nhưng thật ra thì không phải thế,
không phải nó chỉ ghi danh theo đạo mà được vào nước thiên đàng. Kẻ theo Chúa
phải biết bỏ mình, vác thập giá của mình mà theo Chúa. Nó cần phải biết bỏ
những thứ đam mê của thân xác mà theo Chúa, nó cũng phải biết bỏ ông chủ tiền
bạc để làm tôi tớ cho Thiên Chúa. Kẻ theo Chúa phải dám can đảm đi theo Chúa để
chịu nạn. Cuối cùng, kẻ theo Chúa phải thực hiện di chúc của Người. Vì Đức Tin
của nó nếu không có việc làm thì chỉ là Đức Tin chết mà thôi.
Bây giờ nó mới hiểu ra. vì nó thiếu ơn
của Chúa Thánh Thần nên nó còn nhát sợ. Các tông đồ của Chúa ngày xưa cũng vậy.
Khi các ông chưa được Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì trong lòng còn đầy sợ
hãi, và như lời Chúa Giêsu bảo các ông: “Các con cứ ở lại trong thành mà cầu
nguyện, cho đến khi được nhận ơn Chúa Thánh Thần”. Kể từ khi các ông đã được
đón nhận ơn Chúa Thánh Thần thì các ông được tràn đầy sức mạnh, can đảm, và
được nhiều ơn lạ. Kẻ thì được ơn nói nhiều thứ tiếng của các sắc dân, kẻ thì
được ơn nói tiên tri, người khác thì được ơn chữa khỏi bệnh. Các ông đã mạnh
dạn đi rao giảng tin mừng, và làm chứng về sự Chúa Giêsu phục sinh.
Thánh
Phaolô điển hình là một tông đồ đã được Chúa kêu gọi một cách khá đặc biệt. Ông
đã từng dúng tay vào vụ ném đá môn đệ Stephanô, và ông đã xin trác lệnh để đi về thành Damasco,
lùng bắt những kẻ tin theo đạo Chúa. Trên đường đi thì thình lình ánh sáng tự trời lóe rạng, bao lấy ông; Ngã
xuống đất, ông nghe có tiếng nói với ông: “Sa-ul,
tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Tiếng rằng: “Ta
là Giêsu, ngươi đang bắt bớ. Song hãy chỗi dậy vào thành; Sẽ nói cho ngươi biết
ngươi phải làm gì”. Saulo được đỡ dậy khỏi đất; Mắt trương mở mà ông chẳng thấy
gì. Người ta dắt tay mà dẫn ông vào thành Đamasco. Ở đó ông gặp môn đồ của Chúa
tên là Anania. Ông này đã được Chúa cho thị kiến, về việc chữa lành cho ông
Saulo. Ông đặt tay cho Sao-lô, ông nói: “Anh Sa-ul, Chúa đã sai tôi, Đức Giêsu,
Đấng đã hiện ra cho anh trên đàng anh đến, để anh lại được thấy, và đầy Thánh
Thần”. Và lập tức, bong khỏi mắt như những cái vẩy, và ông lại thấy được; Chỗi
dậy, ông đã chịu rửa tội.
Đọc qua sách công vụ tông đồ của
thánh Luca, và các thư mà thánh Phao lô đã viết cho tín hữu của các giáo đoàn.
Nó rút ra được những nét đặc biệt của thánh Phao lô như sau:
Gương khiêm nhượng, thú nhận tội lỗi của chính mình: “Tôi trước là
một kẻ lộng ngôn, bắt đạo, vũ phu. Nhưng tôi đã được thương xót vì bởi vô tri,
không có đức tin mà tôi đã làm thế. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã lan tràn,
chan chứa làm một với lòng tin, và lòng mến nơi Đức Kitô Giêsu đã đến trong thế
gian để cứu các kẻ tội lỗi, mà trong số đó tôi là người thứ nhất”.(thư thứ nhất
gởi Timôthê 1, 12-15).
Gương can đảm và lòng nhiệt thành của ông về việc loan báo tin
mừng, rao giảng về Nước Thiên Chúa, và giảng dạy cho dân ngoại biết về Chúa
Giêsu là con Thiên Chúa. Đức Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta, để cứu chuộc
chúng ta, và Người đã sống lại.
Gương rao giảng chân lý và chăm sóc cho cộng đoàn. Ông không những
giảng dậy tin mừng nhưng ông còn viết nhiều thư thăm hỏi, cũng như căn dặn các
cộng đoàn về các điều cần phải giữ để giữ vững đức tin.
Gương hy sinh. Ông làm việc ban ngày và ban tối ông đi giảng dậy
tin mừng của Chúa. Ông chủ trương tay làm hàm nhai, để tránh gánh nặng cho tín
hữu. Tuy nhiên ông cũng nhận được sự trợ giúp từ các tín hữu, để có tiền dùng
vào việc di chuyển, và để làm việc truyền giáo. Ông là người có cuộc hành trình
truyền giáo dài nhất trong các vị tông đồ thời bấy giờ.
Cuối cùng là gương tử đạo.
Với lòng tin tuyệt đối vào tình yêu của Chúa. Sau nhiều lần ông đã bị bắt, cầm
tù, đánh đòn, đe dọa. Ông vẫn cương quyết giữ vững đức tin, tôn thờ Thiên Chúa,
và thực hiện di chúc của Chúa Giêsu đi rao giảng tin mừng cho mọi sắc dân. Cuối cùng ông bị chém đầu.
Tình yêu của Chúa Giêsu đã cải hóa
thánh Phao lô từ một kẻ đi lùng bắt những người theo đạo. Nhờ tình yêu ấy đã
hoán cải ông trở nên một tông đồ truyền giáo nhiệt thành. Từ đó ông đã hăng hái
ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa, dạy cho muôn dân
hiểu biết về tin mừng của Chúa Giêsu, Đặc
biệt là cho dân ngoại, những kẻ chưa bao giờ nghe biết về Chúa Giêsu.
Tình yêu của Chúa Giêsu cũng đã cải
hóa nó và tất cả anh chị em, những kẻ đã tin và đi theo Người. Phúc cho chúng
ta là những kẻ được Chúa Cha đã chọn, ban cho Chúa Giêsu để Người chăm sóc, dạy
dỗ và hướng dẫn chúng ta trên con đường đi về nhà Cha.
Nó tự xét lại đời mình.
Tuổi đời của nó ngày càng cao, ơn Chúa ban nó đã nhận càng ngày càng chồng
chất. Thế nhưng, nó đã làm được gì để đáp lại ơn Chúa ban đâu?. Nếu
như trên thiên đàng còn có chỗ dành cho những người mang tiếng là “ác” như
thánh Phaolô, thì nó đâu còn lý do gì nữa mà không chỗi dạy, đi về nhà Cha với
lòng ăn năn thống hối. Với tình yêu của Đấng chí thánh, nó quyết định từ nay sẽ
làm chứng nhân cho Người, trên khắp mọi nẻo đường nó đi, qua cách giao tiếp với
mọi người, qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói. Nó sẽ mạnh dạn tuyên xưng danh
Chúa trước mặt thiên hạ,và nó sẽ không
còn lén lút làm dấu trước những bữa ăn chung với bạn bè khác đạo. Nó sẽ cầu xin
Chúa Thánh Thần, xin Người ban thêm ơn cho nó hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa mỗi
ngày một nhiều hơn. Để nó, người mang tiếng ác từ nay sẽ làm được nhiều việc
thiện hơn, và để hành trang về trời của nó không còn là những lo toan sự đời.
Hành trang của nó chỉ còn lại tình yêu tha nhân và tình yêu của Chúa Giêsu mà
thôi.
Xin mọi
người cầu nguyện nhiều cho nó, để Thiên Chúa ban cho nó tràn đầy tình yêu của
Người trong cuộc sống nơi gian trần này.
Thụy
Miên. |