android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Lối đi xưa.
Lên mạng lúc 12:00 ngày 29 tháng 7 năm 2005

TRẦN VĂN MINH.
Ở Bùi Chu quê mình, giờ có ai muốn đi vào Đồng Sông Mây thì thật dễ dàng và nhanh chóng, vì các phương tiện giao thông thật nhiều và đã có con đường tráng nhựa dẫn vào nhà máy thủy điện Trị An , đường đi ngang qua một phần của ấp rồi nối với một phần của khu ruộng đã giúp cho việc đi lại thật thuận tiện. Ngày đầu khi mới có đường tráng nhựa, xe cộ còn vắng vẻ, dân sống hai bên đường hay ở cả trong ấp vẫn có thể mang lúa mới thu hoạch ra phơi hai bên cạnh đường. Nay xe cộ đông đúc hơn, đứng cạnh đường ngắm xe e còn khó nói chi tới việc phơi lúa!

Nhờ có con đường mà mọi sinh hoạt đã thay đổi, sáng ra vào giờ đi làm ngay từ ngoài ngã ba, xe cộ chạy ngang, chạy dọc, những chiếc xe gắn máy mới tinh đủ hiệu, chạy đan qua, đan lại cộng với người đi xe đạp, đi bộ làm thành một khối người ùn ùn, đông đúc, nhộn nhịp vội vã, chưa hết nhịp sống trở nên hối hả, vội vàng, ồn ào phố thị chứ không có vẻ quê mùa như trước.

Cũng từ khu đầu đường chạy dài theo hai bên lộ, nhà nhà mở hiệu buôn bán đông vui, những cửa hàng buôn bán máy móc điện tử cộng với những quán cà phê thi nhau mở nhạc xập xình vang vọng ra đường tạo cho không khí vui tươi, yêu đời như những ngày hội lớn, vẻ mặt thôn ấp thay đổi, khác lạ hơn xưa rất nhiều.

Thế mà tôi lại đi kể chuyện ngày xưa cũ xì, nhưng mà cái cũ xì ấy tôi lại nhớ mới lạ! Nhiều người nghe tôi kể rồi cười: “Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi!” Câu hát xưa hiện về trong trí nhớ, cũng đúng thôi, nhưng nếu không nhắc lại, thế hệ đi sau sẽ chẳng biết gì đến cái thời khai phá của những người đi trước, và có ai biết rằng: chúng ta có được ngày hôm nay, thì đã bao nhiêu ngày cũ chứa đựng bao nỗi gian truân của cha anh đã bị chôn vùi! Nên thôi, ai nói gì thì nói, tôi biết gì thì tôi cứ góp tí ấy để kể cho mọi người, ai đã biết thì ôn lại, còn ai chưa biết thì biết thêm về cái ‘lối đi xưa’ ấy, mà nay nó đã biến mất. Kể cả con đường và những người đã từng một thời lê những bước chân trần trên con đường sỏi đá ấy.

Lối đi xưa nằm ở đâu, có ai còn nhớ không? Nó nằm ngay sau cái lối đi đẹp đẽ mà hiện nay hàng ngày bạn vẫn bước đi trên ấy. Xem nào, nó nằm giữa nhà cô Khiết và ông ký Huyền, giờ như sau tiệm bán xe hai bánh của chú Lý và tiệm thiếc Chí Thiện. Người ta gọi nó là đường bò. Sao lại là đường bò? Đường thì đường nào chả giống nhau, nghĩa là đường nào người ta cũng có thể đi được cả, nhưng đường bò thì hơi khác, người đi cũng được nhưng có khó khăn hơn, bởi vì, bò kéo xe đi thường xuyên nên nó tự tạo ra một loại đường riêng biệt, một loại đường đi khác chỉ dành riêng cho xe bò.

Thứ Nhất, nốt chân bò với những cái móng được đóng bằng sắt, để bảo vệ cho chân bò không bị hà, bị hư, nên chân bò như được đi giầy sắt, chân bò giờ như những cái cuốc phá đất, lại cả hằng trăm con đi lại suốt ngày đã biến những nơi nó đi qua bị cuốc phá mòn đi, lún xuống thành những con đường rãnh trũng hai bên.

Thứ đến, sau bò là hai bánh xe cũng làm bằng sắt, một thứ công cụ tán đất cát ra bột mịn còn hơn cát nơi nào nó lăn qua, để đường hai bên trũng xuống như hai con mương, mà ngược lại, ở giữa đường thì lại do không có nốt chân bò, và hai bánh xe cũng không bao giờ lăn tới nên nổi u lên cao, khiến xe cộ không có loại xe nào có thể đi lại được. Mùa nắng thì đường bò là cả một dẫy bột đất mịn màng, sẵn sàng tung bụi khi có bước chân ai đó bước vào, Mùa mưa thì ôi thôi, hai rãnh bùn bẩn thỉu hôi thối! Vì nước đọng, cộng với phân và nước tiểu của bò. Đấy được gọi là đường bò. Tại khu dân cư Bùi Chu có hai khúc đường như vậy, một như khu tôi kể ở trên, còn một bên thuộc Khu Nam Hòa, đoạn nằm giữa nhà ông Chiêm bán phở và một bên là nhà ông bà Giáp Cừ (Lai). Hai khúc đường ấy chỉ có xe bò là có thể qua lại. Còn các phương tiện khác và người đi bộ thì phải đi bằng những con đường khác nếu không muốn vật lộn với lầy lội. Hai khúc đường ấy nay đã bị lấp đi để lấy đất xây dựng nhà cửa, từ những năm cuối thập niên 80, nên ai mới đến Bùi Chu ở sẽ không biết về hai khúc đường ‘bò’ ấy.

Bùi Chu giờ có nhiều con đường lắm, tính sơ sơ có đến mấy chục con đường ngang dọc, lón nhỏ, vắn dài trong ấp. Sở dĩ tôi chọn kể về cái con đường này là vì, nếu đường Quốc Lộ 1 là con đường huyết mạch của cả nước, thì con đường vào đồng ruộng Sông Mây cũng được kể là con đường huyết mạch của dân Bùi Chu, có đến hơn 90% dân chúng ở đây phải đi về trên con đường này suốt bao nhiêu năm qua.

Ngày đó đi đến chỗ chợ bây giờ là đã hết nhà, ra thêm một đoạn nữa là khu rừng chồi, với cỏ hoang, cỏ hôi, cỏ mắc cở mọc đầy. Đất trơ ra khô cằn sỏi đá, có con đường lớn hơn hai khu đường bò kể trên, khu đường này có tên gọi là đường xe be, cũng hơi trũng nơi bánh xe và nổi u lên ở giữa với cỏ cây cằn cỗi cố mọc lên. Hai bên lề đường cỏ cũng lan ra để bị bánh xe cán nát. Đường đi xiên xiên lên lối rừng Thanh Hóa, hai bên là rừng chồi cao hơn đầu người. Ở cả hai bên đường, dân đã phát rừng để làm nương. Nương được dân làm kể từ ngoài bờ ấp sát với khu dân cư đến Khu Dốc Bà Đầm chỗ Việt Vinh bây giờ. Từ Dốc Bà Đầm xuống con dốc để vào cầu Một. Cầu Một là một đầu con suối nhỏ, tre mọc um tùm xanh ngát, ngọn giao nhau như cái vòm cây, che kín con đường bên dưới mát lạnh, bên dưới chân có dòng suối nước trong veo yếu ớt chảy khi vào mùa nắng, dưới lòng suối là xác lá tre úa vàng, mục nâu thẫm ùn tắc, bám đầy dưới gốc các cây tre gìa và những thân cây mục, cản nước đầu nguồn có lên cao hơn chút đỉnh, khiến dòng suối chảy nghe róc rách. Gọi là cầu nhưng chẳng thấy cầu đâu nên khi đi qua mọi người phải lội qua suối nông choèn vào tháng nắng, còn mùa mưa nước đổ về cũng ngang tầm cỡ thắt lưng.

Từ Cầu Một trở vào rừng có cao hơn, rậm hơn và còn nhiều chủng loại cây hơn, ngoài các loại cây làm củi, cây cho xây dựng, còn một loại mà khi người viết và bạn bè còn trẻ rất thích là những cây cho hoa trái và lá ăn được, nó luôn được bọn tôi thích thú, săn lùng trên đường trở về nhà, sau một ngày đi làm rừng, làm ruộng, đó là lá bứa xanh bóng chua chua ăn mà sướng cái miệng, cái đọt non, bẻ được đến đâu ăn luôn đến đó, trái sim tím, trái dâu da đất nâu nâu cũng chua, trái cò ke xanh lè có xơ ăn chan chát (nó còn tên nữa là trái mắm tôm) trái gùi, trái hồng tiên được bọc trong lưới màu vàng ngọt lịm, soài múc dôn dốt vàng ươm, trái mây chát đen cả lưỡi, trái trường vàng ngọt lự vv.

Chưa kể còn loại cây nữa đó là ‘mai’, mà mỗi dịp khi Mùa Xuân sắp về, chúng tôi cũng theo người lớn vác con dao rựa cùn vào rừng cố kiếm một cành mai về chưng ngày tết. Kể từ ‘cầu Một’ trở vào sâu hơn trong rừng. Rừng cũng còn mang dáng dấp của sự đe dọa của thú rừng, những chú hổ, gấu, voi, rắn rết là loại thú dữ. Rừng cũng kết hợp cho ta những loại thú hiền lành khiến ta bắt nạt được như những con nai, con vượn, con mễn, con chồn, thỏ rừng, heo rừng. Rồi rừng còn cho ta tiếng chim muông líu lo trên cành cây lảnh lót hót, chuyền nhảy trên cành suốt dọc con đường đi. Gía không phải đi làm, mà được đi ngoạn cảnh với cảnh trí thiên nhiên, hoang dại chắc chắn ở khu rừng này cũng tạo cho ta những giây phút thư giãn thích thú.

Từ cầu Một đến cầu Hai, cầu Ba thì rất gần nhau, nhưng cầu Bốn thì xa hơn, lên khỏi dốc cầu Ba đi thẳng vào chỗ trại nuôi Nai bây giờ cỡ hơn một cây số, có một con dốc cao lắm, đường đất đá đỏ, mưa làm cho nước chảy sói mòn mặt đường tạo ra khe, ra gò cắt ngang, cắt dọc trên con dốc, đường không còn mặt bằng phẳng, mà có những con lươn do nước sói tạo ra, bò ngang, bò dọc khiến đường đã khó đi vì dốc đứng nay càng khó đi hơn vì những con lươn này. Thế mà khi xuống dốc, ta vừa đi vừa phải kìm lại không thì dễ té, dễ trượt chân lắm, đi mà như bị ai đó đẩy đi, đấy là kể về đi bộ, còn như đi xe đạp, chân phải đè chặt bánh xe để thắng phụ, không thắng, xe cũng dễ lao đưa ta vào các bụi cây bên lề đường, hay té lăn quay xuống vực, trên đường dốc một bên là thành vách đồi, bên là vực.

Khi về thì thật là mệt vì lại phải leo dốc cao, nhiều chỗ còn phải dùng cả tay đè lên đầu gối lấy đà mà leo. Thanh niên trai tráng thì đi một lèo còn được, các cụ lớn tuổi phải ngừng lại vài chặng để nghỉ lấy hơi. Xe đủ loại khi leo dốc cũng phải gài số mạnh để bò lên, những xe bò, xe trâu kéo, thì phải có người luôn luôn đi sau, tay cầm khúc cây sẵn sàng để chêm vào sau bánh xe, giữ cho xe đứng lại, nếu như thấy bò hay trâu đuối sức. Còn mấy cái máy xới trông mới tức cười, cái đầu máy thì nhẹ, còn cái đuôi thì nặng, khi lên dốc hai bánh máy xới bơi bơi cào đường, trông như chó cào lỗ chuột, và để cho máy dễ dàng leo dốc, cứ đến đoạn cuối dốc khi xe bắt đầu leo lên, phải có vài người leo lên đầu máy đánh đu để đè máy xuống cho đầu máy nặng ký hơn để máy dễ bám đường và cũng dễ leo dốc. Còn những người đẩy xe thồ thì ôi thôi khỏi cần phải kể thì ai cũng biết về nỗi gian truân đoạn trường của họ. Đây là đoạn đường nguy hiểm nhất trong các đoạn đường mà dân chúng Bùi Chu phải chịu đựng nhiều năm trời, cũng đã có một vài tai nạn tại khu vực này, tuy không nghiêm trọng nhưng cũng đã có nhiều người đã bị trầy da tróc vẩy chứ đâu có vừa gì. Riêng người viết cũng có hai kỷ niệm ở con dốc này.

Người viết có cái máy xới Yanmar F10, nó kéo moọc để chở người và nông cụ đi về cho đỡ cái phần lội bộ, một bữa, tôi chở người nhà trên đường về, máy lên dốc, gài số mạnh nó bò rất chậm, người đi bộ cũng có thể qua mặt nó như chơi, dù đang leo dốc. Máy đã lên được hơn nửa dốc, thấy nó bò chậm qúa, tôi sốt ruột kéo ambraya sang số nhanh, không dè nó chẳng ăn vào số nào, máy đang ở độ dốc, nó tuột xuống liền, xe lại không có thắng, vì không ngờ mình lại rơi vào tình huống này, tôi không biết phản ứng làm sao, mà nó lại xẩy ra nhanh qúa, thế là máy tuột dốc, cũng may cái moọc đâm vào sườn vách đất lật nhào hất hết mấy người ngồi trên xe rơi xuống và máy đứng lại, chứ nó rơi xuống phía bên vực thì khốn, chúng tôi lật xe lại và cho máy bò từ từ lên dốc. Hú hồn!

Một lần khác, chiều xuống, khi mọi người lục tục ra về, tôi đi bộ ra đến đầu đường, gặp chiếc máy cày của xã cũng kéo moọc, máy cũng trên đường chuẩn bị về, thằng Khanh đã đứng sẵn trên đó tự lúc nào, hắn nháy mắt với tôi nói leo lên, ừ thì lên, khỏi phải lội bộ 6 cây số chứ ít gì, chưa kể con dốc, đứng trên xe nói chuyện cho vui, xe chật cứng những người là người, chưa kể người bám đu, đeo bên ngoài, trên càng, trên dè xe, lên khỏi dốc, tài xế sang số nhanh, chiếc đầu máy giật mạnh, nghe tiếng rầm, cái đuôi tuột ra, chúng tôi bị hất chúi xuống, thì ra cái móc hậu không khóa an toàn, nên khi đầu máy giật, nó hất cái ngoàm bung ra và cái rờ moọc tuột khỏi cái máy cầy, may mắn thay xe đã lên hết dốc và đã ở khúc đường bằng, và cũng rất là may chẳng một ai bị thương hay hề hấn gì.

Trở lại chuyện con dốc. Xuống hết con dốc, có một con suối nhỏ chảy ngang, người ta bắc một cây cầu gọi là Cầu Tư, (Cầu Bốn) vượt thêm con dốc nhỏ thoai thoải nữa là đến Đồng Sông Mây. Tại ngả ba này một bên sang lối lô 11, 12, Đồng Lu, một phía đi lên gốc me, Hóc Bà Hiền. (Ở nơi đây còn sót lại vài mảng xi măng của cái nền nhà thờ ngày trước,) phía lên Hóc Bà Hiền cỡ một trăm mét có con đường rẽ vào ruộng với cây cầu bắc bằng thân sàn xe lô bồi để vào cánh đồng, và đường vào lô 7. Tại khu này có mấy ngôi mộ cổ, với bia mộ làm bằng đá tổ ong, mộ nằm trên một gò đất thoai thoải cả hai bên bờ sông, có lều xẻo của ông Trùm Na lui xuống phía dưới một tẹo nằm ngang dòng Sông Mây. Trên gò một cái nhà rất lớn, mà người ta quen gọi là lều, lều của anh em hai ông Phó Đương, ông trùm Bính, gọi là lều, chứ thực ra là ngôi nhà to tướng, vây qua quít nhưng bên trên có cái sàn gác để chất đồ đạc, nông cụ, các ông làm sau năm 75. Khi chuột phá lúa, chắc những ai đi ruộng ngày ấy còn nhớ, ông phó Đương bẫy những con chuột đồng vàng ngậy, béo núc làm sạch sẽ rồi quay một nồi cà ry to tướng, ông để ở lều ai đi qua ngửi thấy mùi cà ry chuột thơm nức, chắc chắn là ngon lắm, khiến thần khẩu không chịu được sự thèm, thì cứ tự nhiên mở vung nồi ra nhón một miếng đưa vô miệng ăn ngon lành, ông cũng nấu là cốt ý cho mọi người cùng ăn.

Từ gò này, người đi làm ruộng có xe đạp mang vào lều ông Đương dựng rồi men theo các ngả đường đến ruộng của mình. Từ lô 1 đến lô 5, gốc me, suối đòn gánh thì đi lên hướng Đông. Còn từ lô 6 đến lô 11 thì xuống phía Tây, có con đường mà người ta gọi là đường máy cày cắt ngang cánh đồng vào lô 7, lô này và lô 8 nằm sát bờ Sông Trầu, đường do máy cày đi nên cũng thành mương với bùn đất cỏ mục làm nơi sống lý tưởng của những chú lươn, con nào con ấy béo tròn đầu vàng bóng nhẫy, lưng và đuôi đen đen, bắt được mấy con đem về nấu nồi cháo lươn, rắc mấy cánh lá răm sắt nhỏ, với hành hoa, tiêu bột, sau một ngày vất vả với ruộng đồng, bụng đang là đói, ôi ăn bát cháo lươn thơm lừng, nóng hổi, mới thấy ngon miệng làm sao?

Đấy là nói sơ về đường dẫn ta vào cánh đồng làm ruộng, đồng cũng là nơi cho ta cá, cho tôm, và cho ta nhiều nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nữa, như thú rừng, nào cọp, nào gấu, nào nai, heo rừng vv. Con đường xưa nay còn thưa thớt người qua lại, vì đã có con đường mới tráng nhựa đàng hoàng, đường dẫn vào Nhà Máy Thủy Điện Trị An, nó chạy ngang qua khu ruộng, con dốc mới cũng được bào mòn cho vừa tầm xe dễ dàng đi lại, nên lên xuống cũng chẳng vất vả như con dốc xưa, với lại quê tôi giờ ai đó đi làm ruộng cũng đã khác, còn ít lắm người phải đi bộ hay cỡi cái xe đạp cà tàng vào ruộng, vào ruộng bây giờ khối người chễm chệ trên những chiếc xe dream láng coóng. Lối đi xưa, nay chỉ còn dành cho những ai có ruộng đất nằm kế nó đi về, và nó cũng đã khác xa con đường ngày xưa.

Dân mình nay cũng đã chuyển nghề, với những nhà máy mới mọc lên trên khu công nghiệp Sông Mây nằm gần khu dân cư đã thu hút biết bao nhiêu lao động, biến những người nông dân xưa tay lấm, chân bùn thành người công nhân ăn mặc tươm tất sạch sẽ. Giờ nhiều người đã quên, thậm chí không biết đến cái cuốc, cái cầy, cái liềm, cái hái, cũng tốt thôi. Do đó mà con đường xưa chắc cũng chẳng mấy người biết đến. Con đường mà nhờ có nó, chúng ta có cánh đồng Sông Mây, nơi cho dân ta biết bao nhiêu nguồn lợi, đồng thì còn đó nhưng con đường đã mất, nên tôi xin kể lại. Chứ không lẽ. Đành quên sao!!!
| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net