android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Trường Xưa

                                                           Ngày 20 Tháng 12 Năm 2005

              Khi ấp Bùi chu được thành lập, có lẽ một kiến trúc được xây dựng kiên cố đầu tiên tại đây là ngôi trường tiểu học Minh Đức. Nằm tại trung tâm của ấp đối diện với ngôi thánh đường, mà thánh đường lúc đó cũng mới chỉ được làm bằng gỗ. Ngôi trường này được xây để thay thế cho những ngôi trường xây dựng tạm bằng tranh tre lứa lúc đầu.

           Với hai dẫy nhà, mỗi dẫy ba phòng học, mỗi phòng học hai gian nhà, mái lợp ngói xi măng vuông lớn, tường gạch tô quét vôi, cửa sổ có chấn song bằng gỗ bào tròn, cánh cửa sổ và cửa ra vào có lá sách và sơn màu. Trước hiên có những cột đỡ vuông to bề thế sừng sững dùng đỡ mái trường. Cây cột cờ nằm giữa hai dẫy nhà, phía tay phải dùng làm trường tiểu học với sáu lớp học, học theo hai ca, sáng, chiều. Chiếc trống da treo lủng lẳng nơi hành lang, dùng để điểm giờ vào học, giờ ra chơi, giờ tan trường tiếng trống tùng tùng rất đúng giờ, đúng giấc, nghe rất quen thuộc với mọi người.

            Với dân số ít ỏi lúc đầu, chỉ có sáu lớp mà con em Bùi chu không đủ để ngồi kín lớp, nên có các học sinh của các ấp kế cận như Thanh hóa, Bắc hòa, Tân bắc cùng đến để học chung với nhau. Do gián đoạn cuộc sống vì cuộc di cư, nên học sinh lớn bé lẫn lộn, có những anh lớn hơn bạn mình đến 5 hay 6 tuổi, để đến khi mới học đến lớp nhất (lớp 5) đã lập gia đình. Khi trường khai giảng, thầy giáo Ky là thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường, các thầy sống ở Bùi chu gồm có thầy hiệu trưởng, thầy Nguyễn Ngọc Lan, thầy Vũ Khắc Hiếu, còn lại ở nơi khác đến có thầy giáo Ý, thầy giáo Trì từ Sài gòn xuống, thầy Tước ở Hải phòng cây số 6 Hố nai lên dậy.

            Thầy giáo hiệu trưởng kiêm dậy luôn lớp Nhất (lớp 5 bây giờ). Thầy Ý lớp Nhì, Thầy giáo Lan lớp Ba, còn các lớp Tư thầy giáo Hiếu, lớp Năm các thầy giáo Trì, thầy giáo Tước trách nhiệm. Trước sân trường có khoảng sân trống, bao quanh bởi hàng rào kẽm gai, rồi được trồng thêm hàng dâm bụt cho kín, sát cổng vào ngay hàng rào là khu ‘học đường viên’ để có chỗ cho chúng tôi thực hành trồng rau cỏ, cây cối và hoa. Sau này trường có trồng thêm hai cây phượng vĩ, nhưng cây phía đông mới to cao, còn cây phía tây cứ lèo tèo không lớn lắm, hai cây phượng cho bóng mát rợp một phần sân trường, và nó cũng cho bông đỏ rực rỡ những mùa hè.

            Trong lớp, trên tường là cái bảng màu xanh đậm bằng cạc tông do Mỹ viện trợ, phía trên đầu bảng có một bảng danh dự cho mỗi lớp sáng, chiều, do thầy giáo Ý vẽ hai con rồng chầu mặt trời, ở khoảng trống giữa của bảng danh dự có chỗ để điền tên ba học sinh xuất sắc nhất trong lớp từng tháng một. Trên tường chung quanh lớp học, bên trên các cửa sổ đều có các câu tục ngữ như: Ăn vóc, học hay, Tiên học lễ, hậu học văn, Ấu bất học, lão hà vi vv. nhưng với tôi đến khi lớn khôn vẫn còn nhớ một câu của cố Tổng thống Kenedy là: ‘Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi rằng ta đã làm gì cho tổ quốc.’ Tuyệt. Và ở vào thời đó trên cao nhất phải có hình tổng thống, dưới nữa thì có bảng sĩ số xếp hạng học sinh của mỗi lớp.

            Mỗi lớp có khoảng từ 45 tới 50 học sinh, nam nữ học sinh học chung. Thường nữ sinh học được ngồi các bàn đầu, các ông nhô thì phía sau, trong lớp có cuốn vở luân chuyển, mỗi học sinh chiụ trách nhiệm phụ trách vở luân chuyển một ngày, để viết tất cả các bài vở trong buổi học mà mình phụ trách, cùng với sách vở riêng của mình, sang ngày sau giao lại cho bạn cứ như vậy trong suốt niên học. Mỗi học sinh cũng có trách nhiệm quét dọn lớp học một buổi theo thứ tự được phân công của trưởng lớp.

            Hàng ngày, trước khi vào lớp. Chúng tôi phải xếp hàng chào cờ, sau đó thứ tự từng hàng vào lớp, vì hầu hết học sinh là người công giáo, chúng tôi phải đọc kinh trước khi bắt đầu giờ học, và sau giờ học tiếng kinh cất vang tại mỗi lớp, sau khi đọc kinh, thầy giáo gọi tên điểm danh học sinh đi học, học sinh được gọi tên theo mẫu tự ABC.  Vì sổ danh bạ thầy giáo đã làm theo mẫu tự này. Sau những thủ tục ấy coi như lớp học mới bắt đầu buổi học.

            Thủa tôi còn đi học, từ lớp Ba chúng tôi đã phải học sinh ngữ, vì ảnh hưởng thời Pháp thuộc còn sót lại nên chúng tôi đều học Pháp văn. Một tuần có một giờ, chúng tôi phải mua sách in chữ Pháp để học, cũng chỉ để bập bẹ đôi ba từ tiếng Pháp chứ đâu có đàm thoại được, hay là chia các động từ ra các thì mà thôi, lên mấy lớp trên nữa thì chương trình tiếng Pháp ở bậc tiểu học bị bỏ đi, chỉ còn dành cho học sinh trung học.

            Các thầy giáo ngày đó rất nghiêm và dữ, bởi vì các thầy có quyền phạt và đánh học sinh, còn học sinh tuân phục thầy giáo hết mực. Nổi tiếng với các hình phạt và dữ là thầy giáo Ky hiệu trưởng, ông đánh bạt tai, thước kẻ đánh trên mu bàn tay, nằm trên bàn cho ông đánh, đá đít, phạt qùy, phạt liếm tường, chép phạt và nhiều loại hình thức phạt khác, rồi thầy giáo Lan thì nhẹ hơn, cũng bạt tai hay đét tay, thầy Trì với câu ‘mống’ là chổng mông cho ông đánh, thầy giáo Ý và thầy giáo Hiếu, thầy Tước thì hiền hơn, thầy Ý khi ông cáu thì chỉ chửi: ‘đồ bú dù’ hay ‘đồ con khỉ’ vv.

            Học sinh không mặc đồng phục, ai có gì mặc nấy, áo quần nửa âu phục, nửa ta, quần ngắn, quần dài, thường may bằng vải sô cho bền, giầy dép lộn xộn, có nhiều bạn còn phải đi chân đất, chỉ có nữ sinh là chỉnh tề hơn một chút. Với cái nắng chang chang, từ nhà đến trường các bạn học sinh từ xa đến, trên con đường trải nhựa đen bốc hơi nóng, nhìn cũng đủ hoa mắt nên mồ hôi đã đẫm áo. Đấy là do nóng qúa cũng đã phải đôi ba lần chui vào gốc cây ven đường nghỉ tránh nắng.

Chúng tôi được học căn bản, ngoài các môn thông thường ra, chúng tôi còn được học đức dục và công dân giáo dục. Nhưng vui nhất có lẽ là những bài học thủ công tự do, chúng tôi về nhà thường đi móc đất sét ở dưới con suối sau nhà đem về để nặn, thôi thì chẳng còn con gì trên thế gian này mà chúng tôi biết mà không nặn hình chúng, rồi trái các loại cây ăn qủa nữa, phần đông thì chẳng có anh nào có khiếu trong công việc này, nên ngày nộp bài, nhìn thành qủa của nhau mà cùng cười, có vài người khéo tay nặn rất giống, chúng tôi đã không phục, mà còn vì ghen tức nên dè bỉu hoặc nghi rằng, chắc nó được bố nó làm hộ vv.

Dù đã bao năm tháng trôi qua, những mái đầu xanh ngày nào còn ngồi ê a trong ngôi trường cũ, với cái nóng nhiệt đới, khiến chúng tôi ngồi trong lớp học mà đôi mi mắt cứ dí lại vì buồn ngủ, nay với bao thăng trầm của thời cuộc, biển dâu thay đổi, những mái đầu xanh cũng đã biến mất chuyển dần ra trắng. Thế nhưng những bài học vỡ lòng còn in dấu mãi trong lòng chúng tôi. Và chắc chắn những bạn cùng ngồi chung lớp với tôi chắc chẳng thể nào quên được giọng nói và điệu bộ khi thầy giáo Lan kể cho chúng ta nghe say xưa những chuyện cổ tích như: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, thằng bé tí hon vv. Mà chúng ta nhìn thầy cũng say xưa nhập vào câu chuyện khiến cả lớp im lặng như tờ mắt đăm đăm nhìn thầy mà miệng còn há hốc ra nghe…

            Được mấy năm sau thì nhân sự của trường thay đổi. Năm1961, cuộc đảo chánh xẩy ra. Thầy hiệu trưởng cho hạ hình tổng thống xuống. Cuộc đảo chánh thất bại, ông bị mất chức và thuyên chuyển về Hà nội, Hố nai. Thầy giáo Văn từ trường sư phạm mới mãn khóa về thay, cũng được vài năm thì thầy giáo Tỵ về và làm hiệu trưởng cho mãi đến năm 1975. Về phần giáo viên, thầy giáo Lan qua đời vì bịnh, còn thầy giáo Ý và Trì xin chuyển về Sài gòn, thầy giáo Tước xin về Cây số Sáu. Do đó, có nhiều giáo viên mới được chuyển về trong đó có thầy giáo Đoàn Văn Tập, và các giáo viên trẻ từ trường sư phạm về thay thế và tăng cường, nhưng lúc này chúng tôi đã không còn học ở ngôi trường thân yêu nữa.

             Về ngôi trường cũ, do học sinh mỗi năm mỗi nhiều, lớp học đương nhiên trở nên thiếu, nên hàng năm có những chương trình phát triển cộng đồng, và có các lớp học mới được xây thêm, nên phía Tây sân trường được dành ra để xây mới hai lớp học, rồi những năm kế tiếp đến phía Đông sân trường cũng có thêm hai lớp, khoảng cách giữa hai dãy lớp cũng đuợc nối liền, sân trường bị hẹp lại, mặc dù trường trung học đã chuyển qua phía sân nhà thờ xứ đạo.

            Sau Năm 1975, trường đổi tên thành Trường phổ thông cơ sở cấp I và II thầy Đoàn Văn Tập làm hiệu trưởng, Năm 1989, trường được trả lại tên cũ và thầy Vũ Công Chính làm hiệu trưởng. Nay ngôi trường xưa không còn nữa, khu nền trường cũ đã được tư hữu hoá, dân đã xây dựng nhà cửa để làm ăn buôn bán, còn ngôi trường đã di chuyển vào sâu phía sau nhà thờ. Trường vẫn mang tên cũ nhưng ngôi ‘trường xưa’ tôi kể ở trên, đã đem theo bao kỷ niệm học trò của bao nhiêu thế hệ học trò đi vào dĩ vãng. Cơ sở của ngôi trường xưa đã mất!!

 

Trần Văn Minh

 

   

 

| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net