android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Xuân Bính Tuất nói chuyện (Cây còn).

Image

Thấy mỗi dịp xuân về, trong làng báo đều phát hành thêm số đặc biệt nói về xuân. Đủ mọi đề tài được viết tới, vì năm mới ngày rộng tháng dài, thời giờ dư gỉa, để mọi người có những mục lạ mà vui trong những ngày đầu năm đọc cho quên đi những nhọc nhằn vất vả của một năm đã đi qua, cùng hân hoan chào đón một năm mới với nhiều hy vọng.

Trong đủ mọi trang mục, đề tài, thế nào mà lại chả có cái mục đúng với chủ đề xuân là năm cầm tinh con vật nào thì con vật ấy được đưa lên bàn mổ. Đầu tiên, phải nói tới ở trang bìa, những loại hoa cảnh đẹp và hình một con cọp, con gà hay chú khuyển vv. Nên bạn có quên thì nhìn hình trên trang báo cũng biết ngay năm nay là năm con gì liền. Nhân tiện có trang nhà, tôi chưa bao giờ có dịp viết báo xuân, vậy còn chần chờ gì mà chẳng viết tí chút cho xuân này có vẻ tết hơn nhỉ?

Năm nay là Năm Bính Tuất, người mình nôm na thì hay gọi là năm con chó, vậy cũng xin bàn qua quýt về chú chó tí coi. Người ta thông kim, bác cổ, họ biết nhiều thì viết nhiều, viết về các đề tài khác. Còn nhà em biết ít, thứ ếch ngồi đáy giếng, dân nhà quê, thứ dùi đục chấm nước mắm, cứ chuyện quê nhà em thì em viết, nên có một chút gọi là mua vui ngày xuân cho đậm đà hương vị. Chó là loại vật nuôi trong nhà mà người ta nuôi với nhiều mục đích, người giầu có nuôi chó làm kiểng, chó lớn cho oai vệ chủ nhân ông, chó nhỏ cho thêm phần qúy phái nhưng muốn được tiếng qúy phái, chó nuôi phải là loại chó ngoại nhập cơ. Dông dài đâu xa, ở ngay Bùi chu này giờ đây cũng đã có nhiều người phú qúy sinh lễ nghĩa, đã có nhiều người nuôi chó kiểng để sáng chiều dắt chó đi dạo, hay tắm rửa cho chó lây le chơi. Còn phần đông như các anh cún, vàng, vện thì là loại chó nuôi giữ nhà, dọn dẹp vệ sinh cho lũ trẻ và để.. thịt trong những dịp cần.

Trước kia dân ta hay nuôi chó để coi nhà, nay thì khác lạ, nuôi chó còn để coi chó. Vì chó không coi sóc cẩn thận dễ bị các tay đạo chó “trộm” bắt mất. Sáng nào mà lại chẳng thấy mấy người chủ chó nhớn nhác tìm xem may ra con chó nhà mình nó có chạy lạc đâu không? Lạc làm sao được mà lạc! Nó biết nhà ông nuôi chó nó rình nó bắt rồi, chứ lạc đi đâu mà kiếm! Bọn đạo chó nay trang bị tinh vi hiện đại lắm, xe hơi, xe tay ga, rồi câu, rồi bả, nguyên băng đi chung để hổ trợ và giải cứu cho nhau loạn xạ nữa, nên chúng chẳng trừ nơi nào không dám đến. Có cả bọn từ thành phố đến hành nghề tại các vùng quê. Thế ra bây giờ nuôi chó không còn mục đích để chó gác nhà coi trộm, mà nuôi chó giờ là để nhử trộm đến bắt chó! Trộm được chó kiểng thì chúng lại bán cho người nuôi, còn trộm được con chó thường thì bán cho ông hàng thịt. Nghề đạo chó coi bộ kiếm ăn cũng khá.

Nhà em quê mùa, thấy chó thì cứ gọi là chó. Ấy vậy mà chó cũng có nhiều tên gọi nữa, chẳng biết có vì sự chó ăn dơ không, mà nhiều người thích thịt nó phải nói trại đi là khuyển, cầy, nai đồng quê, hay nói lái là cây còn, mộc tồn, hạ cờ tây, xám lục, cẩu, hương nhục. Vào quán nhậu, ăn thứ thịt gì phải gọi rõ thứ thịt ấy người ta mới nấu cho mình được, nhưng vào quán thịt cầy, người ta bỏ tên thịt đi mà chỉ cần kêu, cho món luộc, nhựa mận, chả chìa, dồi vv. Là chẳng làm sao mà nhầm lẫn cho được. Ấy là trước kia cơ, nay thì khác, quán xá đông như nấm, khách nhậu đầy nghẹt quán, chó lại nuôi lâu lớn nên nhiều tay đầu bếp bất lương đã treo đầu dê bán thịt chó ơ quên treo đầu chó bán thịt heo. Có vài mẩu chuyện vui về chó ngày xưa ở quê mình xin kể hầu độc gỉa.

Đâu còn cái thủa xa xưa, cái thủa mà về đêm rất yên tĩnh của ngày tháng trước, tám giờ tối là đường xá đã thưa thớt xe cộ qua lại. Thảng hoặc mới thấy một cái xe đi về. Thanh thiếu niên ở vùng quê hay có thói quen ra bên lề đường quốc lộ ngồi hóng gío tán gẫu, chó mèo cũng tha thẩn đi lại qua đường, rượt đuổi nhau, coi đường lộ như sân nhà mình vậy. Có một bữa, nhóm Khoa, Châu, Tâm ruộng, Kỷ, Huy, Hiển, Đạt vv. Cũng đang ngồi bên đường đấu láo, tiếng nói to như quát cùng tiếng cười vang vui vẻ lắm, có tiếng xe tải lên dốc gần đến gốc cây đa bỗng con chó nhà ai chạy xổ ra đường đâm ngay vào bánh xe, một tiếng bịch.. ẳng, chiếc xe vẫn chạy, còn con chó thì nằm im. Cả bọn giật mình im tiếng và quay phắt lại nhìn xem xe đụng gì, Tâm ruộng xỏ dép phóng như bay lại kéo con chó dấu vào bụi dâm bụt, tính chút nữa không có ai kiếm chó, tối nay kéo về làm thịt biện với nhau một bữa. Dấu xong con chó, Tâm quay về chỗ ngồi chung với anh em như không có chuyện gì xẩy ra, tiếng nói không còn cất to nữa, mọi người xì xào đủ nghe và dòm chừng xem có ai ra kiếm chó không, và đã bàn cả cách sẽ nấu nướng. Ngồi thêm chút nữa, không thấy ai ra đường, cả bọn cùng theo Tâm đến bụi dâm bụt, con chó đã biến mất, mọi người bổ ra âm thầm tìm kiếm, vẫn không thấy con chó đâu. Ủa! Rõ ràng tao dấu nó ở đây mà, tao cũng vẫn dòm chừng vậy mà nó biến đi đâu không kiếm thấy. Tiu nghỉu cả bọn ngạc nhiên cùng phá ra cười. Không biết ai đã phỗng tay trên hay con chó tỉnh dậy chạy đi mất rồi. Tiếc thật!

Nhà bà chị tôi có nuôi một con chó, nó thuộc loại chó to. Chị nuôi nó đã lâu, nhà có ba mẹ con, con chó nuôi để coi nhà, nó là con chó gìa, đi đứng đã có vẻ chậm chạp, lông xù ra, hiền như bụt, thấy ai vào lạ quen gì nó cũng nằm ì dưới gầm bàn, nhướng cặp mắt lười biếng ra ngó tí rồi nhắm lại ngủ tiếp, người ngay kẻ gian gì nó cũng chẳng còn thiết nữa. Da nó vài ba chỗ lông rụng thưa và da đóng vảy như bị hắc lào hắc lẫm chi đó. Nhìn con chó không có tí thú vị nào, bán thì chị cũng chẳng bao giờ có ý bán nữa chứ nói gì đến cho ai, tính chị là như vậy không cần tiền, nhưng vì chị nuôi nó, nó trung thành với chị nên chị giữ nó vậy thôi, mà chữa bệnh cho nó thì không chữa được vì nó gìa rồi. Mỗi lần tôi thấy con chó, tôi cứ nói nó bị hắc lào, con này mà chị giết, có cho tôi tiền tôi cũng chẳng dám ăn. Con chó vẫn chậm chạp đi ra đi vào quanh quẩn trong nhà.

Một buổi trưa, tôi chạy xe Honda từ nhà lên chợ, thấy Nguyễn Văn Thư đưa tay vẫy, tôi quay xe lại Thư hỏi: “cơm chưa?” Tôi nói: “chưa”, Thư hỏi: “nhậu không?” Tôi hỏi: “ở đâu?” Thư bảo: “ở nhà thằng Đắc” (xin lỗi Đắc vì mình quen gọi nhau như vậy) tôi nói: “nhậu thì nhậu, tao chạy mua cái này cho bà xã đã tí quay lại.” Tôi mua xong mang về nhà cho bà xã rồi tôi chạy lên nhà Đắc. Chưa nấu xong các món ăn, chúng tôi ngồi nói chuyện vãn, đến khi thắp cơm, chúng tôi ngồi vào mâm, chỉ thuần một món cầy. Tôi đùa: “hôm nay thằng nào làm chó đây?” Đắc cười cười, hắn là một cây cười của ban văn nghệ thiếu niên trong xứ mà, lại có cách nói chuyện ngập ngừng ngắt khoảng hay nối không đúng câu dễ gây ngộ nhận cho người nghe. Có lần hắn lắp bắp nói đùa: “Kính thưa đức giám mục và phu nhân…thủ tướng.. vv.” Nghe ai cũng phì cười. Đắc nói: “còn ai làm chó vào đây nữa”. Hắn đặt một đĩa rau húng lá mơ xuống mâm, ghé mông đặt xuống chiếu hai chân quay ra ngoài chiếu, dơ chân lên cao, vỗ hai bàn chân vào nhau cho đất cát rơi ra, xong mới xoay người lại, khoanh chân ngồi xếp bằng rồi cười nói: “xin…mời các vị nhập tiệc cho”, vừa nói hắn vừa cười khà khà nhìn khắp lượt anh em đến gần chục mạng, tay cầm ly rượu giơ lên mời cẩn thận, nhìn mâm cỗ một thằng hỏi: “chấm muối chứ không có mắm tôm à?” Đắc hỏi lại: “có chứ, mày lại thích chấm mắm tôm sao? Rồi nói luôn: đợi tao sai con lấy cho.”

Tôi gắp miếng thịt luộc chấm muối chanh đưa lên miệng, mùi chua mặn của muối chanh làm nước miếng trong miệng tôi túa ra, nhai miếng thịt thấy ngon hơn nhưng sao dai qúa, nhất là miếng da, nhai thêm một tí thấy khó nhai nát, nhả thì kỳ tôi nuốt trọng luôn, tôi gắp miếng nhựa mận, nghĩ món này hầm lâu chắc mềm hơn, nhưng cũng không hơn gì. Tôi cười nói: “chó sao dai qúa vậy Đắc?” Hắn cười cười nhẩn nha nói: “tớ.. hầm lâu lắm ừ rồi .. đấy”. Thư nói: “vậy mà vẫn còn dai”. Chó gìa qúa! Một thằng hỏi: “chó nhà thằng nào nuôi mà gìa vậy?” Đắc nói: “đâu có phải chó nhà ai đâu, hồi đêm tớ thấy có tiếng xe xô vào cái gì đánh uỵch một cái, tớ chạy ra xem thấy một con chó bị xe đụng, mình kéo vào lề rồi đi hỏi mấy nhà gần đây xem có phải chó nhà họ bị đụng xe không? Chẳng thấy ai nhận cả, phải một lúc sau không thấy ai nhận, mình mới lôi về bắc nước làm thịt, hai ba thằng hì hụi mà mất mấy tiếng đồng hồ mới xong, sáng mới nấu!” Gần một chục mạng mà không thanh toán nổi mâm cỗ. Mặt mũi ai cũng đỏ gay vì rượu, nói cười vui vẻ hân hoan sảng khoái lắm.

Chuyện bình thường, rồi dư vang của bữa nhậu cũng tan loãng dần nên cũng chẳng còn ai nhắc tới nữa, hằng ngày, tôi vẫn đi qua đi lại gặp Đắc cũng vẫn giơ tay lên chào cười cười với nhau vui vẻ. Tôi vẫn đến nhà chị hằng ngày, vẫn chẳng thấy gì khác lạ, cho đến một ngày tự nhiên tôi thấy nhà chị như thiếu vắng một cái gì, cái gì nhỉ? Con chó, ừ đúng rồi, con chó gìa nhà chị đâu nhỉ? Tôi hỏi: “con gìa đâu mà không thấy vậy chị?” Chị nói: “mấy hôm nay chẳng biết nó đi đâu chẳng thấy nó về.” Thôi chết, mấy hôm, mấy hôm nay thì hay đúng là nó, trên mâm cỗ hôm nào ở nhà Đắc! Tôi thấy cổ họng hơi ngưa ngứa nhồn nhột thế nào!

Ông Thoát ngủ trưa, trời nóng qúa bò dậy ra cửa ngồi, con chó nhà ai đến nằm gần ngưỡng cửa, ông đưa chân đá hất đuổi nó đi. Con chó đang nằm ngủ bỗng  bị đuổi, như tức giận con chó quay lại nhe răng gừ gừ. Ông Thoát thấy vậy cũng tức: “mẹ mày chứ không đi mau còn gừ gừ cái gì, ông cho mày củ riềng với tí mẻ bây giờ.” Ông nghĩ nhanh trong đầu như vậy rồi cầm ngay chiếc dép bên cửa quăng cho con chó một cái, con chó kêu ẳng một tiếng, chạy ra xa hơn một chút rồi quay lại sủa ầm ĩ. “Mẹ con chó này muốn chết thật hay sao đây mà chọc bố mày đây!” Ông Thoát lẩm bẩm một mình. Bỗng ông nghĩ hay là chó điên? Không biết chó nhà ai mà lạ qúa, vì ông thường hay đi làm cả ngày, chó lạ ông, mà ông cũng chẳng biết nó, vì thế mà nó thấy ông lạ nó cứ sủa hoài. Đang thèm, ông nảy nhanh trong đầu hay đập chết mẹ nó đi làm một bữa bảo là chó điên, thừa lúc con chó vô ý, ông cầm ngay cái cây gài cửa phang ngay đầu con chó và la toáng lên là: “chó điên.” Con chó kêu ẳng một tiếng rồi giẵy dụa vài cái xong nằm im re, lối xóm nghe la chó điên chạy tới bu xem, thằng bé con bà Khoạn len vào nhìn, thấy con chó nhà mình nó oà khóc la lên: “sao chú Thoát đập chết chó nhà cháu?” Rồi bù loa chạy về nhà kêu mẹ. Thôi chết! Ông thoát nghĩ nhanh trong đầu cách làm sao mà giải thích với chủ chó đây. Chó chết mà còn thêm nhiều chuyện.

Trong bạn bè có ông bạn mà chúng tôi hay gọi là ông cả Rụ, phải nói ông là người mà bạn bè gọi ông với nhiều tên đệm nhất: ông điểm Rụ này, tư Kiểng vv. Chẳng phải để trêu chọc gì ông bạn tôi đâu, nhưng vì ông ấy thích đùa, và với những cử chỉ điệu bộ rất ngộ.

Một buổi tối, cả nhóm đi chơi lông bông trong xóm, qua ngõ nhà nọ có một con chó dữ, nó cứ xổ ra như chực cắn mọi người, mấy đứa đã cúi xuống lượm đá tính chọi cho nó một cục cho nó chạy đi chỗ khác, Quang xui Rụ: “mày nhe răng ra cho nó sợ.” Rụ cúi thấp xuống đưa mặt về phía con chó và nhe răng ra thật. Con chó vẫn sủa và chạy quần quần theo mọi người, Quang lại nói: “mày gừ cho nó sợ”. Rụ lại “gừ.. ừ”.

Hôm sau thằng Quang cứ mang cái chuyện ấy đi kháo, tự nhiên ông Rụ nhà tôi đâm cáu, ông chửi thằng Quang lắm chuyện. Được cớ thằng Quang trêu lại ông nó nói: “ thế tối hôm qua mày có gừ không?” Rụ gắt lên: “tao đâu có gừ..” xong lại nói tiếp: “tao chỉ.. gừ.” cả bọ cười lăn ra về cách nói của ông cả nhà tôi.

Bà cụ tôi chẳng biết học ở đâu được cách chữa chó cắn, bà dùng vôi ăn trầu vẽ quanh vết răng chó cắn, tay vừa vẽ mà miệng thì đọc: “khuyển, khuyển, khuyển mày cắn người tab a ngày tao cho mày khỏi.” Chẳng biết nếu chó điên cắn thì sao chứ bà chữa cho nhiều người thấy họ mau lành vết thương lắm.

Có cái lạ, nhiều người thích ăn thịt chó, nhất là nhà có đám có đình, nhưng ít khi nào các đám cưới mà lại ngả cầy. Đám cưới chỉ mổ heo, mổ bò, gà. Còn cầy thì dành cho ma chay giỗ chạp, tôi chưa tìm hiểu cho rõ nổi nguyên do.

Cứ tưởng chó chết là hết chuyện, đứt phim, nhưng xem ra điều này không đúng đâu. Nhiều chuyện lắm, có kể hằng ngày cũng không hết chuyện. Người ta vừa ăn nó đấy, vậy mà vẫn cứ đưa nó ra mà so sánh như: khổ như chó, bẩn như chó, nhục còn hơn con chó. (Đương nhiên là khi nói ở quê nhà, chứ bên tây mà nói vậy thì không đúng rồi, vì chó bên này có đôi khi sướng hơn người mình). Nhiếc mắng nhau thì: “đồ chó”, nặng hơn thì: “đồ chó đẻ”. Còn khi thấy người ta ăn nó thì chọc nhau như: “trên chó, dưới cũng chó”, hay: “a nhà ông này ăn cơm với chó”. Trêu ông hay giết chó thì: “ông hôm nay có làm chó không.” Cãi nhau giận nhau thì: “thà đổ cho chó ăn.” Hay: “không ăn ông đổ cho chó ăn bây giờ.” Người ta còn đùa nhau là người Tàu nói thật nên họ mời ăn cơm, họ nói: “mời ông ăn đi, không tôi đổ chó ăn cũng vậy”. Thấy người ta khôn hơn mình thì bảo thằng ấy đốm lưỡi theo câu: “đốm lưỡi thì nuôi, đốm đuôi thì thịt.”

Nhiều người thích mùi vị của thịt chó, nhưng lại không thích thứ thịt này nên họ phải dùng thịt heo, thịt dê để nấu món gỉa cầy, gia vị thì y chang, ăn vào cũng khoái cái nhà ông thần khẩu, tưởng rằng như vậy cũng xong, thích gì thì ăn nấy, chẳng phiền hà đến ai, ấy vậy mà thiên hạ nào đã chịu cho, họ cũng cứ xía vào chuyện nhà người ta, lại còn chơi chữ nữa chứ, thấy các cụ ngồi ăn món gỉa cầy, thế mà nó cũng dám cười ha hả rồi nói: “thịt heo nấu gỉa cầy, các cụ ăn như chó vậy!” Láo thật! Biết nó xỏ mà chẳng chửi nó được, thì nó bảo thịt gỉa cầy giống thịt chó chứ có ý gì đâu. Ấy thế mà các cụ nghe tưng tức thế nào ấy, gượng cười mà chửi thầm trong bụng.

Trong xứ tôi ngày trước, chỉ có ba người thuộc vào diện chuyên viên giết chó, chẳng biết ở họ có tiết ra một tín hiệu nào đặc biệt hay không, mà họ đi đến đâu thì ai cũng biết, lý do là nhờ vào tìếng chó sủa, vì thấy họ là chó nhà nào cũng sủa như cùng báo động cho nhau biết về người thù của dòng họ chó đang đến.

Năm cùng tháng tận, nếu qúy vị muốn tìm hiểu thêm về các giống chó, đức tính của chó, sự trung thành của chó, chó giúp người mù, chó làm nhiệm vụ canh gác, (lính chó, cảnh sát chó) chó dùng để bắt kẻ gian, buôn bán ma túy (hải quan chó) và nhiều nhiều công việc khác mà con người không làm được, xin tìm trên mạng về những trang đặc biệt. Riêng Bùi chu mến yêu chỉ có mấy mẩu vui vui kể trên để góp vui trong dịp xuân Bính Tuất này làm tí qùa tết, thay vì lấy đầu làm lỡi, với lời chúc đến mọi người những điều tốt lành nhất trong năm mới và hẹn sẽ được cùng nhau bàn về cái tết năm Đinh Hợi.

Trần Văn Minh. 1/06.

| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net