android mobil gas station locator huntington park mobile spy free download tamil songs divx yahoo stat tracker app android logiciel télécharger pc spy mobistealth monitoring software

Máy tính bảng Máy tính bảng giá rẻ

dao tao ke toan

| Chúc Mừng Cộng Đoàn | Tin tức | Thư đi, tin lại | Diễn đàn | Tâm tình | Giới thiệu | Góc vui cười. |
 

Home
Bùi Chu Ngày Nay
Bùi Chu Ngày Xưa
Những Người Đáng Nhớ
Kể Chuyện Ngày Xưa
Lịch sử Giáo Xứ Bùi Chu
Giáo Dục Con Cái
Sức Khỏe
Chúc Mừng
Chia Buồn
Trang Thơ
Sống Đạo Giữa Đời
Tin Mừng
Chuyện bốn phương
Trang đặc biệt.
Hình ảnh về Bùi chu
Tuổi trẻ hôm nay

 

Lượt người truy cập

 

Ban kèn nam Trung Hiếu.

6-1-07.

Than ôi! Sau bao nhiêu năm mang tiếng kèn, tiếng trống đi tiễn biệt nhiều người về nơi an nghỉ nghìn thu. Cuối cùng, cái ban kèn ấy lại im lìm ra đi, không ai đưa tiễn, và thảm thương thay! Ban âm thầm ra đi mà chẳng được lấy một tiếng trống, tiếng kèn!!!

Thấy tôi viết về các chuyện của Bùi chu, chú em tôi đọc rồi ngập ngừng lên tiếng: “ anh Minh ơi, còn ban kèn Nam nữa sao chưa thấy viết?” Tôi hỏi: “kèn Nam nào?” Chú ấy mới bảo: “ban kèn Nam Trung Hiếu.”

Và chú ấy kể rằng: Ngày ấy, mọi người chưa có bận rộn như bây giờ, công việc làm theo ý thích, còn lại buổi chiều thì mọi người đều rảnh cho đến khi đi ngủ, nên cũng thường hay tụ nhau lại chuyện trò sinh hoạt vui với nhau trong xóm ngõ, cho hết ngày.

Rồi một bữa, trước những Năm 1975 kia; chuyện trò chán, nhân trong xứ mới có đám ma, mấy cụ đi chia buồn về, mới cám cảnh mà chê đám ma buồn. Đương nhiên đám ma thì phải buồn rồi. Ai đó nói vậy, nhưng các cụ mới tả lại, ai mà chẳng biết, nhưng mà giá có tí kèn, tí trống đệm vào đám, xem ra có phần an ủi gia đình, và người chết sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn, cho đúng với câu: “sống dầu đèn, chết kèn trống.”

Chợt ai đó đề nghị: “hay là mình lập ra ban kèn nam đi?” Ý kiến hay, và mọi người có mặt đồng ý với nhau, mai sẽ xúc tiến cùng lập một ban kèn nam trong xứ đạo. Cứ tưởng chuyện lập ban kèn nam mà các cụ nói cho vui chuyện chơi thôi, như bao ý tưởng khác, sau một đêm là chìm vào và trôi theo giấc ngủ. Nhưng lần này không, các cụ nhất quyết thành lập cho bằng được. Thế là sáng hôm sau, cụ Bạ Viện đã nhanh chân đi đến những nhà các ông tối trước đã bàn bạc với nhau, rồi lo tiến hành lập ban kèn thật.

Các cụ xin phép cha xứ, đi tìm người biết thổi kèn, đi sắm kèn, mua trống, mua máy, mua loa rồi cùng nhau tập tành rất ư nổi đình, nổi đám. Ông Khoa, ông Phòng, ông Kỳ thổi kèn, ông Thi, ông Thiều, ông Đội đánh trống, ông Hùng lém miệng, lẻm mép vào vai khóc, còn phần máy móc, cụ bạ nhà tôi đảm trách, kể về ban kèn Nam mà đông đủ như vậy là rất hùng hậu. Từ đấy, quê tôi hàng đêm phiá cuối nhà thờ nơi nhà cụ bạ, tiếng kèn ò í e, e í ò cộng với tiếng trống bung, bung, tụp, bung, bung, tụp, cắc, cắc, bum, thi thoảng lại phụ vào tiếng kèn, tiếng trống là tiếng tập khóc, tập than, rồi cười như vỡ chợ, nghe cũng xôm tụ và bớt đi cái quạnh quẽ của buổi tối vùng quê. Nhìn các vị thổi kèn, miệng ngậm kèn, với hai bên má phồng ra, đôi tay với những ngón nhấn nốt trên cái loa kèn đen xì, bên cạnh có cái ly nước, dùng để ngâm những cái kén kèn, và giữa chiếu không thể thiếu khay nước trà khô, với lại bình bát điếu để nhạc công, giải khát và hút điếu thuốc lào lấy hứng.

Cũng kể từ đấy, trong xứ nhà nào có người thân vừa khuất bóng, tiếng trống, tiếng kèn được nhà héo khất đến nhà. Đám ma mà có ban kèn thổi ngày đêm cũng kể như nổi đình, nổi đám thật, và ban Trung Hiếu cũng đã giúp xua đi được một vài đêm ảm đạm, u buồn cho tang chủ! Tại nhà cụ bạ, ông Hùng đã kẻ cho một tấm bảng hiệu: Ban kèn nam Trung Hiếu, nhận phục vụ đám ma, còn kèm theo hình cây kèn nam và cái trống.

Khi đến nhà có đám, việc đầu tiên các vị ổn định nhạc cụ, xin cái chiếu giải ra giữa nhà, hay trên giường, trên sập, người thổi kèn, có nhiệm vụ gặp gia chủ để hỏi thăm về gia thế, tiểu sử của người vừa nằm xuống, để còn chuẩn bị những bài kèn khóc. Trong khi đó nhà héo lo cơm nước, hầu phục vụ cho ban tươm tất và để ban có đủ sức khỏe mà phục vụ lại gia chủ trong một vài ngày. Tối tối, thêm bình cà phê với đường sữa đầy đủ, nhà kha khá còn cộng thêm cho với nồi cháo gà nóng hổi, hầu giúp cho các nhạc công luôn được ăn bồi bổ, cùng có đủ sức mà thức thổi kèn qua đêm dài.

Sau các nghi thức ban đầu, ban bắt đầu phục vụ, khởi đầu, cả ban cùng hợp sức, cùng chơi hoà tấu, kèn đôi, trống đôi với các bản ruột, bản tủ cho có khí thế làm tăng lên những nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ phải có, chứ không vô hồn vô cảm như những lúc đêm về khuya khoắt, vắng lặng, ngồi bên quan tài, người yếu bóng vía, mắt cứ láo liên liếc séo, sợ nhỡ như có ma thật thì không biết chạy đâu, mà thổi kèn như là một bổn phận, như là sự gượng ép cho qua những cơn buồn ngủ, cho hết cái thời gian thay phiên nhau thổi, thay phiên nhau nghỉ ngơi, đợi sáng. Mà sau này do có kỹ thuật phụ giúp bằng cái máy và băng casset thu sẵn, thỉnh thoảng mở ra cho đỡ mệt người thổi kèn và để đỡ trống vắng nhà đám, khi ban đã mệt cùng ngồi nghỉ, thủ thỉ chuyện trò.

Chú còn kể tiếp, ngày chú ấy còn bé, chưa biết làm gì, tối tối hay ra chỗ ban kèn tập để ngồi chầu rìa, xem các cụ tập tành kèn trống, đôi khi tò mò, táy máy cũng lấy trống đánh theo, ai dè có một bữa, hội được một gia đình bên Tam Hiệp khất đi thổi đám ma, ông cụ đánh trống lại ngả bệnh, chú em tôi được đề nghị thay thế, và rồi mặc áo quần nghiêm chỉnh theo các cụ lên xe lam trực chỉ qua Tam Hiệp chơi nhạc đám ma, sau đám cũng được cụ bạ chia cho mấy chục nên thích lắm, từ đó, nếu thiếu tay trống, chú em tôi được nhớ đến và mời đi chơi, chú ấy nói cũng chơi được mấy show. Người được nhiều tiền nhất trong ban thường là người thổi kèn, vì ngoài tiền chia trong ban, ông thường được gia chủ và những người trong gia tang thưởng thêm sau mỗi khi khóc hộ một vài bài.

Chẳng nhớ ban kèn Trung Hiếu hoạt động được bao nhiêu năm, nay không còn thấy bóng dáng của ban đâu nữa! Sự chấm dứt hoạt động của ban bằng một quyết định rút lại phép của cha xứ với một lý do hy hữu, ai nghe cũng buồn cười, đó là một lần ban phục vụ tại một nhà héo trong giáo xứ, về đêm, khuya lơ, khuya lắc, buồn buồn ngồi không đâm chán, ai đó thấy vắng qúa mới bỏ bài ra đánh chắn, chẳng biết có vì vui xuân quên đi nhiệm vụ không? Mà ai đó bắt gặp đã trình báo với cha xứ, cha rút lại phép và cấm ban kèn không được sinh hoạt phục vụ đám ma kể từ đấy.

Than ôi! Sau bao nhiêu năm mang tiếng kèn, tiếng trống đi tiễn biệt nhiều người về nơi an nghỉ nghìn thu. Cuối cùng, cái ban kèn ấy lại im lìm ra đi, không ai đưa tiễn, và thảm thương thay! Ban âm thầm ra đi mà chẳng được lấy một tiếng trống, tiếng kèn!!!

Viết tặng chú Cường, nguyên thành viên trống dự khuyết của ban kèn Trung Hiếu, Bùi chu.

1-2007.     

| Giới thiệu | Trang chủ | Tin tức | Nhắn tin | Diễn Đàn | Liên lạc |
Ban biên tập : Trần Văn Minh - Trưởng ban. Ngô trọng Đức - Phụ trách kỹ thuật
Trần Minh Cảnh – Biên tập viên Vũ Hùng Cường – Biên tập viên
Liên hệ :buichu@buichu.net